Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quyết từ bỏ khí đốt Nga, Đức-Đan Mạch sẽ xây dựng “đảo năng lượng Bornholm”

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kế hoạch xây dựng tổ hợp điện gió trị giá 9 tỷ euro (9 tỷ USD) ở Biển Baltic sẽ đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình thoát khỏi sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga.

Đức và Đan Mạch sẽ hợp tác xây dựng  tổ hợp năng lượng gió ở Biển Baltic, dự kiến tạo ra hơn 3 gigawatt năng lượng mỗi ngày. Ảnh: AP
Đức và Đan Mạch sẽ hợp tác xây dựng  tổ hợp năng lượng gió ở Biển Baltic, dự kiến tạo ra hơn 3 gigawatt năng lượng mỗi ngày. Ảnh: AP

Theo Bloomberg, chính phủ Đức và Đan Mạch cho biết, dự án "đảo năng lượng Bornholm" đã được lên kế hoạch trước đây có thể giúp châu Âu thay thế một phần khí đốt từ Nga. Đây là cách để các nước châu Âu giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga.

Đức và Đan Mạch đang lên kế hoạch xây dựng tổ hợp năng lượng gió ở Biển Baltic, dự kiến tạo ra hơn 3 gigawatt năng lượng mỗi ngày và cung cấp cho 4,5 triệu hộ gia đình. Theo dự kiến, khu phức hợp sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2030.

Theo chính phủ Đan Mạch, dự án “đảo năng lượng Bornholm" đòi hỏi đầu tư 3 tỷ Euro vào cơ sở hạ tầng và 6 tỷ Euro vào trang trại điện gió ngoài khơi. Các công ty năng lượng quốc gia của Đức và Đan Mạch, 50Hertz và Energine, sẽ chịu trách nhiệm xây dựng các công trình và kết nối chúng với đất liền.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Năng lượng Đức Robert Habeck cho biết, lần đầu tiên ở châu Âu có hai quốc gia hợp tác trong dự án như vậy, đồng thời khẳng định, "đảo năng lượng Bornholm" sẽ chạy dọc theo các đường ống chính đưa khí đốt của Nga đến châu Âu. “Trong tương lai, dự án này sẽ là nguồn năng lượng của chính chúng tôi, không phải khí đốt của Nga” – Bộ trưởng Habeck nhấn mạnh.

Sau khi “đảo năng lượng Bornholm” chính thức đưa vào vận hành, các quốc gia khác của khu vực Baltic, đặc biệt là Ba Lan, sẽ có thể tham gia dự án này.

Các quốc gia châu Âu từ lâu đã muốn rời xa nhiên liệu hóa thạch để chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo nhằm tránh những tác động toàn diện của hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Hiện tại, trước tình hình căng thẳng trên thị trường năng lượng do xung đột ở Ukraine, EU đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo để ít nhất một phần thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga. Ủy ban châu Âu đặt mục tiêu tăng công suất điện gió của châu lục từ mức hiện tại là 12 gigawatt lên 300 gigawatt vào năm 2050.

Trước đó, hồi tháng 5 vừa qua, EU đã công bố kế hoạch"REPowerEU" trị giá 210 tỷ euro (khoảng 221 tỷ USD) để chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga. Ủy ban châu Âu cho biết họ sẽ nỗ lực cắt giảm tiêu thụ khí đốt của Nga trên toàn khối xuống 66% vào cuối năm nay, đồng thời kết thúc hoàn toàn sự phụ thuộc trước năm 2027 bằng cách tiết kiệm năng lượng, tìm các nguồn thay thế và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.