Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rà soát bộ máy hoạt động của doanh nghiệp XKLĐ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các DN phải báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước về tổ chức bộ máy hoạt động và việc giao nhiệm vụ hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho các đầu mối.

Qua thanh kiểm tra, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp (DN) giao nhiệm vụ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không đúng quy định cho các đầu mối cũng như không báo cáo đầy đủ về việc giao nhiệm vụ này.
Rà soát bộ máy hoạt động của doanh nghiệp XKLĐ - Ảnh 1
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Nhằm bảo đảm việc tổ chức bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đúng quy định của pháp luật, ngày 24/11/2015, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã ban hành văn bản số 2271/QLLĐNN-PCTH về việc rà soát bộ máy và báo cáo về đơn vị hoạt động xuất khẩu lao động, trong đó yêu cầu các DN rà soát bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của DN theo hướng dẫn tại quy định kèm theo Quyết định số 19/2007/QĐ-BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành “Quy định về tổ chức bộ máy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài”;

Các DN phải báo cáo Cục về tổ chức bộ máy hoạt động và việc giao nhiệm vụ hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho các đầu mối kèm theo Quyết định thành lập, giao nhiệm vụ, ủy quyền/bổ nhiệm người đứng đầu, danh sách trích ngang cán bộ làm việc tại các đầu mối nêu trên; giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, địa điểm kinh doanh.

Bên cạnh đó, ngày 24/11, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng ban hành văn bản số 2270/QLLĐNN-PCTH yêu cầu các DN thực hiện đúng quy định về tuyển chọn, quản lý lao động và chế độ báo cáo theo quy định tại Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH ngày 08/10/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Các DN không báo cáo về tổ chức bộ máy hoạt động theo yêu cầu của công văn số 2271/QLLĐNN-PCTH sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không báo cáo đột xuất theo quy định tại Khoản 1 Điều 30 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; các DN không thông báo việc giao nhiệm vụ cho chi nhánh (trường hợp doanh nghiệp có chi nhánh) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không thông báo giao nhiệm vụ cho chi nhánh theo quy định tại Khoản 2 Điều 29 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP.

Đối với các DN không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ theo yêu cầu của công văn số 2270/QLLĐNN-PCTH cũng sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ với mức phạt tiền cao nhất là 40 triệu đồng/hành vi vi phạm. Những DN bị xử phạt vi phạm hành chính từ hai lần trở lên trong thời hạn 12 tháng sẽ bị đình chỉ hoạt động sáu tháng theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 14 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.