Rà soát đất sản xuất với đất rừng tại Ba Vì

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/7, tại huyện Ba Vì, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Bộ trưởng Cao Đức...

Kinhtedothi - Ngày 26/7, tại huyện Ba Vì, Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Bộ trưởng Cao Đức Phát dẫn đầu đã làm việc với UBND TP Hà Nội và huyện Ba Vì về giải quyết các vấn đề liên quan giữa Vườn Quốc gia (VQG) Ba Vì với sản xuất, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Tại buổi làm việc, những vướng mắc về đất đai giữa VQG Ba Vì với các địa phương tồn tại lâu năm đã bước đầu có hướng tháo gỡ.

Dân thiếu đất

Nằm ở sườn Tây của VQG Ba Vì, xã Ba Vì, huyện Ba Vì là một trong những xã gặp khó khăn nhiều nhất về đất sản xuất. Diện tích tự nhiên của xã lớn, khoảng 2.500ha nhưng có tới 2.200ha đất thuộc VQG Ba Vì, trong khi đất nông nghiệp để cấy lúa chỉ còn lại 22,62ha. Ông Dương Trung Liên - Chủ tịch UBND xã Ba Vì chia sẻ, diện tích này chỉ đảm bảo lương thực cho người dân trên địa bàn được 2 tháng. Thiếu đất sản xuất, đời sống của người dân xã Ba Vì gặp nhiều khó khăn, bình quân thu nhập đầu người hiện mới đạt 7,4 triệu đồng/người/năm, ở mức thấp nhất toàn TP và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất TP (35,7%). "Với tình hình này, xã rất khó để hoàn thành xây dựng nông thôn mới vì không có đất để quy hoạch sản xuất" - ông Liên lo ngại. 
 
Có nghề làm thuốc Nam nhưng người dân xã Ba Vì, huyện Ba Vì lại thiếu đất trồng cây dược liệu.     Ảnh: Quang Thiện
Có nghề làm thuốc Nam nhưng người dân xã Ba Vì, huyện Ba Vì lại thiếu đất trồng cây dược liệu. Ảnh: Quang Thiện
Không chỉ riêng xã Ba Vì, nhiều xã khác trên địa bàn huyện Ba Vì cũng đang gặp vấn đề tương tự. Tại xã Khánh Thượng, người dân chủ yếu sống dựa vào chăn nuôi và ngành nghề khác vì phần lớn diện tích đã thuộc vào VQG Ba Vì. Thậm chí, theo lãnh đạo xã, một số quả đồi độc lập (diện tích khoảng 100ha) có cao độ trên 100m một chút mà người dân canh tác lâu năm nhưng vẫn bị nhập vào diện tích của VQG Ba Vì gây bức xúc trong người dân. Tại xã Vân Hòa, sau khi Nông trường Việt - Mông cổ phần hóa thành Công ty CP Việt - Mông, một bộ phận dân cư đã được giao cho địa phương và thành lập các đơn vị hành chính thôn, cụm dân cư. Tuy nhiên, phần đất đai đến nay vẫn chưa được bàn giao gây khó khăn cho đời sống người dân và công tác quản lý của địa phương.

Theo UBND huyện Ba Vì, tổng diện tích VQG Ba Vì từ ranh giới cao độ 100m trở lên thuộc địa bàn huyện là 6.136,7ha. Diện tích bàn giao về cho 7 xã miền núi quản lý theo Quyết định số 539/QĐ-UBND ngày 28/3/2007 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) là 297,5ha. Tuy nhiên, hiện nay, trên thực địa chưa bàn giao 76,6ha cho xã Vân Hòa, 20,2ha cho xã Minh Quang. Ông Lê Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, ranh giới cao độ 100m không phân định rõ ràng, nhiều vị trí không tìm thấy mốc giới nên khó xác định. Trong khi đó, VQG Ba Vì lại chưa thanh lý dứt điểm các hợp đồng khoán chăm sóc, bảo vệ rừng với các hộ trước đây nên gây khó khăn cho công tác quản lý, giao cho thuê tiếp.

Sớm rà soát, giao đất cho địa phương

Trước tình trạng thiếu đất sản xuất, tại buổi làm việc, đại diện cả 7 xã miền núi trong khu vực VQG Ba Vì và UBND huyện Ba Vì đều kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo sớm bàn giao diện tích đất dưới cao độ 100m cho địa phương. Đồng thời, bàn giao dứt điểm diện tích đất của các nông, lâm trường sau cổ phần hóa về cho địa phương quản lý. Một số xã đề nghị để cho người dân được trồng rừng kết hợp với sản xuất trên diện tích đất tự nhiên từ cao độ 400m trở xuống. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ NN&PTNT, UBND TP có cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc miền núi phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cũng đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch, lộ trình bàn giao dứt điểm diện tích dưới cao độ 100m cho địa phương. Trên diện tích ấy, rà soát lại các loại cây trồng để vừa đảm bảo phủ xanh đồi đất dốc, vừa mang lại giá trị kinh tế cho người dân. Phó Chủ tịch cũng đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị phối hợp với UBND TP xây dựng một chương trình, đề án phối hợp phát triển sản xuất cho các xã đồng bào dân tộc miền núi trên địa bàn TP.

Ghi nhận những ý kiến đề xuất, kiến nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát giao Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với VQG Ba Vì có kế hoạch cụ thể làm việc với từng xã để giao các diện tích đất dưới cao độ 100m. Đồng thời, làm rõ các vướng mắc về ranh giới trên thực địa giữa diện tích VQG Ba Vì với diện tích sản xuất của địa phương và cắm mốc để tất cả mọi người dân đều biết. Thời gian để hoàn thành công tác này là trong vòng 3 tháng. Bộ trưởng cũng lưu ý, với những diện tích đồi độc lập nên bàn giao cho địa phương quản lý. Nguyên tắc rà soát đất đai là tạo điều kiện tối đa cho đồng bào dân tộc địa phương tham gia vào khai thác những lợi ích kinh tế từ rừng nhưng không phá vỡ tiêu chí, quy định đã đề ra.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần