Rà soát kỹ từng trường hợp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Số lượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp có thực sự như con số thống kê, đất giãn dân từ nhiều năm trước hay không… là vấn đề được đề cập đến nhiều tại cuộc giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội tại Sở TN&MT ngày 13/9.

8% còn lại không dễ dàng

 

Trả lời những kiến nghị của cử tri về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN),  Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông cho biết: Đến nay, thành phố đã hoàn thành việc thực hiện NĐ 64/CP của Chính phủ, đã giao và cấp GCN đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Tổng số GCN đã cấp cho hộ gia đình cá nhân 646.863 giấy, đạt 93% số giấy cần cấp (không bao gồm đất nông nghiệp của 47 phường ven đô nằm trong qui hoạch xây dựng phát triển đô thị). Còn với GCN đất phi nông nghiệp, đã có 1.014.760 giấy được cấp, đạt 92% số thửa đất cần cấp.

 

Nhiều đại biểu trong đoàn giám sát đặt câu hỏi, nếu nhìn vào số liệu cấp GCN, cho thấy thành phố đã cơ bản hoàn thành. Nhưng thực sự những con số này có chính xác? Ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều người dân phản ánh không ít trường hợp cơ quan chức năng đã "ôm" GCN lại, không phát cho người dân. Bởi vậy rất nhiều người dân vẫn phàn nàn vì chưa được cấp GCN. Vấn đề này, Sở cần lưu tâm, tránh xảy ra các hiện tượng tiêu cực.

 

Ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở TN&MT cho rằng, tiến độ cấp CGN nhanh bởi Sở đã tham mưu thành phố triển khai giảm thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện. Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, nhưng không có tranh chấp, phù hợp với qui hoạch đã được xét duyệt hoặc chưa có qui hoạch được xét duyệt tại thời điểm làm thủ tục cấp GCN, được cấp GCN. Đối với trường hợp trước đây không đủ điều kiện cấp GCN, tiếp tục tiến hành rà soát, nếu hiện đủ điều kiện sẽ được cấp GCN. Tuy nhiên, cái khó khăn lại nằm ở 8% còn lại. Trong đó, có tới hàng chục ngàn trường hợp bất khả kháng, không đủ điều kiện cấp GCN, do nằm trong hành lang bảo vệ công trình công cộng hoặc lấn chiếm đất công, tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vi phạm pháp luật đất đai... Nhiều huyện mới hợp nhất vào Hà Nội từ năm 2008 chưa có bản đồ số hóa nên vẫn phải lập, thẩm định hồ sơ theo kiểu thủ công. Ngoài ra, với số lượng vài trăm dự án nhà ở, khu đô thị được triển khai, việc quản lý qui hoạch của chủ đầu tư, chính quyền cơ sở lỏng lẻo, dẫn đến  người dân xây dựng sai qui hoạch, không cấp được GCN, chủ đầu tư lại xin điều chỉnh qui… tạo thành một vòng luẩn quẩn.

 

Rà soát và có giải pháp cho từng trường hợp cụ thể

 

Cấp GCN cho đất giãn dân là vấn đền liên tục được cử tri phản ánh. Ông Hậu cho biết: Không ít trường hợp, đất giãn dân do chính quyền chủ động cấp cho người dân và người dân cũng đã đóng tiền. Bởi thế, dù Thanh tra thành phố có quyết định thu hồi nhưng Sở cũng không thực hiện được vì người dân có đầy đủ giấy tờ về việc đã nộp tiền cho chính quyền.

 

Tới đây, Sở cũng sẽ đề nghị các quận, huyện rà soát, lên danh sách các trường hợp cụ thể để có hướng giải quyết. Đồng thời, đối với trường hợp đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15/10/1993, không tranh chấp, phù hợp với qui hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có qui hoạch sử dụng đất, Sở cũng chỉ đạo chính quyền địa phương cấp GCN như một số trường hợp ở Thanh Trì, Phú Xuyên. Tuy nhiên, việc này chỉ có thể giải quyết với từng trường hợp cụ thể.

 

Ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND TP cho rằng, để giải quyết dứt điểm việc cấp GCN, Sở cần tổng hợp những trường hợp còn tồn đọng, bất khả thi để báo cáo Thành phố có hướng xử lý cụ thể, tránh việc khiếu kiện kéo dài. "Sở cần nghiêm túc xem xét việc GCN được cấp rồi, nhưng chưa đến tay người dân. Quan tâm hơn nữa, xử lý những GCN còn tồn đọng, đẩy nhanh việc cấp GCN cho cơ quan, đơn vị…" - Phó Chủ tịch HĐND TP nói.

 

11 đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng và 10 kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 22 HĐND TP liên quan đến Sở TN&MT, đa phần có cơ sở và được Sở tích cực vào cuộc giải quyết, nhưng tiến độ xử lý vẫn chậm. Sở TN&MT cần đẩy việc giải quyết đơn thư, kiến nghị lên một bước nữa, chủ động hơn trong phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền, giải quyết dứt điểm các vụ việc, không chỉ dừng ở việc ra quyết định. Nếu có vướng mắc cần báo cáo UBND, HĐND  để có hướng giải quyết, tránh tình trạng người dân khiếu kiện nhiều lần.

 

Ông Lê Văn Hoạt Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội

  

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần