Theo đó, thực hiện thông báo số 232/TB-UBND ngày 10/5/2022 của UBND TP Hải Phòng, về kết luận của Chủ tịch UBND TP tại cuộc họp nghe báo cáo về việc di dời, giải tỏa hoạt động nuôi ngao không phép tại các khu vực đã cấp phép khai thác khoáng sản cát ở quận Hải An và huyện Kiến Thụy. Đồng thời, thực hiện thông báo số 522/TB-UBND ngày 12/9/2022 của UBND TP về kết luận của Chủ tịch UBND TP tại cuộc họp nghe báo cáo tiến độ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với các hộ nuôi ngao trên biển tại địa bàn huyện Kiến Thụy.
Mới đây, UBND huyện Kiến Thụy đã xây dựng Kế hoạch kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm hành chính, di dời, giải tỏa hoạt động nuôi trồng thủy sản (ngao) không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép (giai đoạn 2) trên khu vực biển huyện Kiến Thụy bắt đầu từ ngày 9/11 đến khi hoàn thành.
Theo ông Đào Văn Tuân - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kiến Thụy, trong giai đoạn 2, người dân đã tự khai báo về huyện hiện có khoảng 51 hộ nuôi ngao, 69 chòi canh với tổng diện tích hơn 1.000ha. Trong đó, đã có 6 hộ nuôi ngao làm đơn xin tự nguyện bàn giao diện tích nuôi ngao tự phát trên khu vực biển huyện Kiến Thụy khi có thông báo của thành phố và huyện.
Với mục đích hoàn trả mặt nước biển phục vụ khai thác khoáng sản và triển khai quy định chung của TP Hải Phòng, UBND huyện sẽ tiếp tục kiểm tra xác định ranh giới, vị trí, diện tích, thông tin các hộ, cá nhân nuôi trồng thủy sản (ngao) không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép (giai đoạn 2) làm căn cứ để lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính.
Lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định đối với các trường hợp nuôi trồng thủy sản (ngao) không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép (giai đoạn 2) trên khu vực biển huyện Kiến Thụy. Tham mưu tổ chức cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định đối với các trường hợp không chấp hành. Quá trình tổ chức thực hiện phải được triển khai chặt chẽ theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự. Nếu không có gì thay đổi việc kiểm tra, rà soát sẽ hoàn thành trong 4 ngày từ 9/11 - 12/11.
''Trước khi thực hiện kế hoạch, UBND huyện đã tăng cường tuyên truyền các quy định pháp luật, các văn bản chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng, UBND huyện liên quan đến việc nuôi trồng thủy sản để các hộ dân nuôi ngao khu vực biển huyện Kiến Thụy biết và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, chủ trương của nhà nước" - ông Đào Văn Tuân thông tin.
Trước đó, sáng 14/10, UBND huyện Kiến Thụy đã tập trung lực lượng, phương tiện triển khai kế hoạch đảm bảo ANTT; kế hoạch, phương án cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với 31 hộ nuôi trồng thủy sản với 42 chòi canh không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép (giai đoạn 1) trên khu vực biển huyện Kiến Thụy.
Cụ thể, trong ngày 14/10/2022, UBND huyện Kiến Thụy đã tháo dỡ, di dời 39/48 chòi canh (có 6 chòi canh các hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ và 33 chòi đã thực hiện cưỡng chế).
Với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt, đến trưa ngày 15/10 (ngày thứ 2), lực lượng cưỡng chế huyện Kiến Thụy đã hoàn thành việc cắm phao tiêu bao quanh, xác định ranh giới các mỏ cát. Hoàn thành tháo dỡ, di dời toàn bộ 48/48 chòi canh (có 6 chòi canh các hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ và 42 chòi đã thực hiện cưỡng chế) theo kế hoạch.
Sau cưỡng chế, UBND huyện Kiến Thụy yêu cầu các doanh nghiệp được thành phố cấp phép khai thác khoáng sản cát cử lực lượng bảo vệ phao tiêu, chòi canh 24/24 giờ hàng ngày và kiên quyết không xảy ra việc tái dựng chòi, nuôi thả ngao của các hộ dân.
Cùng với đó, huyện đã tuyên truyền, thông tin đến các hộ nuôi ngao hoàn thành việc thu hoạch ngao trước ngày 15/11/2022 đối với khu vực mà các doanh nghiệp đã có kế hoạch khai thác cát phục vụ các dự án và trước ngày 30/11/2022 đối với các khu vực còn lại.