Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rầm rộ giảm lãi suất

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sau công bố của một số ngân hàng thương mại về việc giảm lãi suất huy động trong cuộc họp về tín dụng cho thị trường bất động sản tại NHNN diễn ra tuần trước, một số ngân hàng thương mại bắt đầu có động thái giảm lãi suất.

Lãi suất huy động và cho vay giảm ở một số ngân hàng

Tại Vietcombank, lãi suất huy động online giảm ở kỳ hạn 12 tháng, bằng với mức niêm yết cho khách gửi tại quầy. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại quầy và online cùng ở mức 7,4%/năm. Lãi suất huy động niêm yết kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng của Agribank lần lượt là 6,1%/năm và 7,4%/năm. Lãi suất huy động online ở các kỳ hạn này cũng được giảm xuống bằng với mức lãi suất niêm yết của ngân hàng thay vì cao hơn trước đó.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Với việc hạ lãi suất huy động ở một số kỳ hạn, lãi suất huy động online kỳ hạn 06 tháng tại Agribank hiện đang thấp hơn 0,4% so với tại Vietcombank, và thấp hơn 1,7% so với VietinBank và BIDV.

Tại một số ngân hàng khác như Techcombank, lãi suất tối đa hiện nay chỉ còn 9%/năm thay vì 9,5%/năm. Lãi suất cao nhất của SCB cũng còn 9,5%/năm, từ mức gần 10% trước đó. Gần nhất, Ngân hàng NCB đã cập nhật biểu lãi suất huy động mới từ ngày 8/2/2022 và đồng loạt giảm 0,2 – 0,8 điểm % tại nhiều kỳ hạn gửi. MSB cũng giảm lãi suất huy động 0,2-0,4%/năm tại một số kỳ hạn. Với kênh online, lãi suất tại kỳ hạn 15-36 tháng giảm 0,4%/năm xuống 9%/năm. Với các kỳ hạn ngắn hơn, tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động cũng giảm 0,4%/năm xuống 8,9%/năm, còn tại kỳ hạn 6-11 tháng, mức lãi suất giảm xuống còn 8,8%/năm. Như vậy, VPBank, Sacombank, MSB,.. đến nay cũng đã hạ lãi suất huy động 0,3 - 0,4%/ năm so với thời điểm tháng 12/2022.

Với lãi suất cho vay, MB áp dụng giảm 1% lãi suất vay dành cho khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng. Trong tháng 1, BIDV triển khai gói vay ngắn hạn mới với quy mô 30.000 tỷ đồng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh với lãi suất ưu đãi chỉ từ 8%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng; hoặc chỉ từ 9%/năm đối với các khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng. OCB cũng dành khoảng 25.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với lãi suất cho vay ngắn hạn từ 8% -12%/năm với doanh nghiệp.

Hay Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) vừa triển khai chương trình vay “Vay vốn ưu đãi, kinh doanh siêu lãi” với hạn mức 1.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ 10,5%/năm. Mức lãi suất ưu đãi này được áp dụng tối đa 3 tháng tính từ thời điểm giải ngân…. Một số ngân hàng khác cũng bắt đầu giảm nhẹ lãi suất vay mua nhà so với tháng 1/2023 vừa qua như Shinhan Bank giảm 0,1% từ 10,9% xuống còn 10,8%/năm, Hong Leong Bank giảm thêm 1,3% từ mức 13% xuống còn 11,7%/năm.

Dù lãi suất cho vay được các ngân hàng công bố giảm nhưng theo phản ánh của doanh nghiệp, việc tiếp cận vay vốn còn khó khăn. các ngân hàng lại đang rất dè dặt khi cho vay ra vì e ngại rủi ro nợ xấu. Các ngân hàng sẽ không hạ chuẩn cho vay trong bối cảnh rủi ro của nền kinh tế gia tăng. Để tiếp cận vốn vay của ngân hàng, doanh nghiệp buộc phải không có nợ xấu nhưng đồng thời phải có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản bảo đảm...

Chính sách tiền tệ vượt qua thách thức

Theo báo cáo của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất huy động gần như đi ngang trong tháng 1, có dấu hiệu giảm nhiệt từ cuối tháng. Với áp lực hỗ trợ tỷ giá giảm bớt, BVSC cho rằng áp lực tăng lãi suất không còn trong năm 2023.

Theo số liệu mới nhất được NHNN công bố, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm hơn 95% khối lượng giao dịch) đã giảm về mức 4,91% vào ngày 10/2, từ mức 5,49% trong phiên trước đó và 6,21% ghi nhận vào hồi đầu tháng. Cùng với kỳ hạn qua đêm, lãi suất các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng cũng đồng loạt giảm. Việc lãi suất liên ngân hàng giảm sâu bất chấp hoạt động hút ròng của Nhà điều hành cho thấy thanh khoản hệ thống đã dồi dào hơn rất nhiều so với giai đoạn trước.

Dù vậy, giới chuyên môn dự báo, năm 2023 nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Nhiều tổ chức quốc tế đưa ra triển vọng kém lạc quan và liên tục cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, điều hành chính sách tiền tệ vẫn kiên định hướng tới mục tiêu nhất quán và xuyên suốt đó là: kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an toàn hệ thống.

Việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới còn gặp nhiều khó khăn do các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất; lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng; tín dụng tăng nhanh hơn huy động vốn, tạo áp lực cho các TCTD phải tăng lãi suất để ổn định và thu hút thêm nguồn vốn.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng, Fed sẽ còn 2 lần tăng lãi suất nữa vào tháng 3 và tháng 5/2023, sau đó lãi suất sẽ duy trì ở mức đỉnh 5 - 5,25% đến cuối năm 2023. Đây là thời điểm để thay đổi chính sách, ổn định vĩ mô, cũng là cơ hội để NHNN giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp do áp lực tỷ giá qua đi. Ổn định vĩ mô không thể đạt được khi lãi suất thực rất cao, khó khăn cho các doanh nghiệp. Vì thế, theo TS Nguyễn Xuân Thành, chính sách tiền tệ cần vượt qua thách thức trong quý I và quý II/2023, khi Fed dừng tăng lãi suất, hết áp lực tỷ giá thì phải chuyển hướng sang hỗ trợ tăng trưởng, mạnh tay hạ lãi suất.