Rào cản của nông dân Phúc Lâm

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, một số nông dân xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức) đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông sản sạch, mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông dân Phúc Lâm cần được các cấp ngành hỗ trợ nhiều hơn về nguồn vốn sản xuất và liên kết tiêu thụ.

Hộ anh Ngô Đức Mạnh ở thôn Chân Chim (xã Phúc Lâm), chủ sở hữu của vườn rau ngót hữu cơ quy mô 4ha ứng dụng giàn tưới nước tự động chia sẻ, mô hình rau ngót hữu cơ của gia đình đang cho thu lãi trung bình 10-12 triệu đồng/sào/năm, so với cấy lúa cao hơn gấp 4-5 lần. Tuy nhiên, khâu tiêu thụ vẫn phụ thuộc vào thương lái, chưa có sự liên kết về đầu ra, nên khi giao thương khó khăn là sản phẩm bị dư thừa, tồn đọng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.  

Tương tự, năm 2020, hộ anh Dương Mạnh Toàn ở thôn Phúc Lâm Hạ (xã Phúc Lâm) mạnh dạn đầu tư khoảng 360 triệu đồng để làm nhà lưới, nhà màng với diện tích 2.000m2 chuyên trồng cà chua, các loại dưa và trồng hoa bán vụ Tết. Sau hơn 1 năm triển khai mô hình, hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với thâm canh truyền thống, doanh thu đạt 25-30 triệu đồng/sào/năm. Song, khó khăn của anh Toàn hiện nay là thiếu vốn để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.

 Mô hình trồng rau ngót lắp đặt hệ thống tưới nước tự động của hộ anh Ngô Đức Mạnh, ở xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức). Ảnh: Ngọc Ánh 

Toàn xã Phúc Lâm có diện tích đất màu 50ha và là 1 trong 3 xã của huyện Mỹ Đức được quy hoạch vùng rau an toàn với diện tích 32ha. Thực tế cho thấy, vấn đề thiếu vốn và thiếu thị trường tiêu thụ đang là những rào cản lớn khiến nông dân Phúc Lâm chưa quyết tâm đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; số mô hình nhà lưới, nhà màng còn khiêm tốn.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức) Phạm Quý Ba cho biết, thời gian qua, Hội đã tạo điều kiện tối đa để hội viên nông dân được tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong canh tác rau an toàn; chủ động phối hợp với các đơn vị giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi với tổng số dư nợ do Hội đang quản lý là hơn 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn này chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất của hội viên nông dân trên địa bàn xã. Bên cạnh đó, các mặt hàng rau, củ, quả sản xuất trong nhà lưới, nhà màng bán ra đang bị đánh đồng và không thể cạnh tranh với rau củ quả sản xuất đại trà khiến nhiều hộ nông dân chưa yên tâm đầu tư lớn.

Để khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, nông dân xã Phúc Lâm mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng về chính sách hỗ trợ, chính sách kích cầu, đẩy mạnh thực hiện “bốn nhà” (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, DN) giúp tiêu thụ nông sản ổn định. Bên cạnh đó, người dân cũng mong muốn có những đơn vị đủ năng lực, uy tín để giám sát quy trình sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm, an toàn và đại diện cho bà con nông dân kết nối, giao dịch với các nhà phân phối sản phẩm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần