Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rào cản điều kiện kinh doanh gây khó cho doanh nghiệp

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Kết quả rà soát điều kiện kinh doanh 15 lĩnh vực quản lý Nhà nước trong năm 2023 được Bộ KH&ĐT thực hiện cho thấy, đang tồn tại nhiều điều kiện kinh doanh chung chung, thiếu rõ ràng... gây khó cho cả cơ quan thực thi và doanh nghiệp.

6 nhóm điều kiện kinh doanh còn bất cập

Bộ KH&ĐT đã chỉ ra 6 nhóm điều kiện kinh doanh tồn tại bất cập hiện nay, gồm: điều kiện kinh doanh về PCCC; điều kiện kinh doanh lĩnh vực du lịch (du lịch lữ hành nội địa, kinh doanh khu, điểm du lịch); chứng chỉ hoạt động xây dựng; điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ; điều kiện huấn luyện an toàn vệ sinh lao động; khoảng trống quy định về lắp đặt và quản lý trạm nạp điện tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

Chẳng hạn, với ngành nghề kinh doanh rượu, Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định một trong những điều kiện sản xuất rượu công nghiệp là phải có cán bộ kỹ thuật có trình độ, chuyên môn phù hợp với ngành, nghề sản xuất rượu. Tuy nhiên, Luật hiện hành lại chưa quy định cụ thể về trình độ, chuyên môn của cán bộ kỹ thuật, dẫn đến những khó khăn cho doanh nghiệp khi đề nghị cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp.

Rào cản điều kiện kinh doanh gây khó cho doanh nghiệp - Ảnh 1

Hoặc như ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú phải thỏa mãn các điều kiện: có đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật; phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về PCCC, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ du khách.

Theo Bộ KH&ĐT, những quy định này là không cần thiết vì điều quan trọng với cơ quan quản lý Nhà nước là quản lý chất lượng sản phẩm trước khi lưu thông trên thị trường bằng việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về sản phẩm. Cơ quan Nhà nước không nên can thiệp vào quy trình hay công nghệ áp dụng của doanh nghiệp, trừ yêu cầu đối với công nghệ gây ô nhiễm.

“Hơn nữa, việc bảo đảm chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là trách nhiệm của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thiết bị kiểm tra hay thuê tổ chức nào kiểm định là quyền lựa chọn của họ, không nhất thiết phải ký hợp đồng với tổ chức được chỉ định…”- Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Không chỉ những điều kiện kinh doanh “hiện hữu” trong các luật, nghị định có thể dễ dàng đo đếm được, doanh nghiệp lo ngại hơn là đối với những điều kiện kinh doanh “ngầm” hiện nay. Có những điều kiện kinh doanh cắt giảm ở nơi này, nhưng lại dẫn chiếu đến nơi khác, phức tạp hơn. Ví dụ như: ngành nghề kinh doanh bất động sản (chỉ một ngành nghề), nhưng lại có 9 ngành nghề bên trong. Không chỉ tại các bộ, ngành mà ở nhiều địa phương, tình trạng trì trệ trong khâu giải quyết thủ tục hành chính vẫn đang là vấn đề nhức nhối.

Một số khó khăn nổi bật khác cũng được nhận diện như quy định quá nhiều chứng chỉ, hạn chế phân cấp trong cấp phép hay việc phải thực hiện thủ tục điều chỉnh các loại giấy phép con nhiều lần ngay cả khi không có thay đổi về nội dung ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động đã được cấp phép,…

Văn bản hướng dẫn chậm gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng là hiện tượng phổ biến nhất trong thời gian qua. Vấn đề về thuế và đất đai được các doanh nghiệp phản ánh có nhiều bất cập nhất.

Tiếp tục cải cách, đơn giản thủ tục cho doanh nghiệp

Không chỉ doanh nghiệp, mà trong tháng 6 vừa qua, 12 Bộ, ngành và 38 địa phương đã gửi phản hồi về Bộ KH&ĐT, chia sẻ về những bất cập, khó khăn trong việc thực hiện các quy định đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương TS. Trần Thị Hồng Minh chia sẻ, yêu cầu cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh mạnh mẽ hơn là đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn, cũng như tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Có thể thấy, nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không có ý nghĩa và hiệu quả về quản lý nhà nước đã gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tăng chi phí, giảm niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp; giảm tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh… Do vậy, tác động trực tiếp tới tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế…

Theo báo cáo mới được công bố bởi Economist Intelligence Unit, Việt Nam đã tăng 12 bậc trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, dư địa để cải cách vẫn còn rất nhiều.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, các bộ, ngành được yêu cầu rà soát và xây dựng phương án kiến nghị sửa đổi quy định thuộc lĩnh vực quản lý, trong đó có điều kiện kinh doanh. Tuy vậy, qua đánh giá và khảo sát, các phương án sửa đổi điều kiện kinh doanh về cơ bản còn hạn chế, chưa thực sự có ý nghĩa và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Mặt khác, việc sửa đổi các văn bản pháp lý để hiện thực hóa phương án còn rất chậm. Tình trạng này nếu không sớm được khắc phục sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tháng 7 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm. Trong đó, nhấn mạnh việc tiếp tục cắt giảm, đơn giản hoá các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đang còn hiệu lực và dự kiến ban hành có nhiều phản ánh, kiến nghị, vướng mắc, khó khăn trong thực hiện hoặc tạo rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành trước ngày 30/9/2023. Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có liên quan xem xét, xử lý kịp thời dứt điểm các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.