Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rất cần những giải pháp đồng bộ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Loạt bài: Nước sạch ngoại thành – bao giờ hết “khát”? trên báo Kinh tế & Đô thị online đăng (từ ngày 19/5 đến 22/5) đã nhận được sự quan tâm của dư luận về vấn đề thiếu nước sinh hoạt tại khu vực nông thôn của Thủ đô hiện nay.

Rất cần những giải pháp đồng bộ - Ảnh 1
Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Đào Duy Tâm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội về nguyên nhân và những giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Thực trạng nhiều xã, huyện trên địa bàn TP thiếu nước sạch, phải dùng nước ao hoặc mua nước với giá cao đã được phản ánh trên báo Kinh tế & Đô thị. Theo ông, vì sao tình trạng này đã kéo dài nhiều năm mà vẫn chưa được khắc phục triệt để?

- Đúng như loạt bài trên báo Kinh tế & Đô thị đã phản ánh, tình trạng thiếu nước sạch không chỉ diễn ra tại một số xã như Ngọc Mỹ (Quốc Oai), Trường Yên (Chương Mỹ) mà nhiều nơi trên địa bàn các huyện khác cũng đang thiếu nước sạch sinh hoạt; có nơi phải mua với giá 40.000 – 50.000 đồng/m3 nước, trong đó có cả các huyện như Ba Vì, Thạch Thất… Lý do là trước đây, chúng ta chưa quan tâm và chưa đầu tư nhiều cho nước sạch nông thôn. Tỷ lệ được sử dụng nước sạch của người dân khu vực nông thôn Hà Nội thấp hơn bình quân chung của cả nước và các tỉnh quanh Hà Nội. Mặt khác, chúng ta có đầu tư nhưng chưa đồng bộ, không hiệu quả. Điều này thể hiện ở chỗ, một số công trình cấp nước đầu tư nhưng không sử dụng được. Việc quản lý sau đầu tư có rất nhiều hình thức, có hình thức không khả thi và không hiệu quả.

 
Trạm nước sạch Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai đã đi vào hoạt động nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu nước sạch của người dân. Ảnh: Ánh ngọc
Trạm nước sạch Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai đã đi vào hoạt động nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu nước sạch của người dân. Ảnh: Ánh ngọc
Bên cạnh đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) Nước sạch và Vệ sinh môi trường (VSMT) nông thôn của Hà Nội giai đoạn 2013 – 2015 đã được phê duyệt nhưng đang thiếu rất nhiều vốn và nguồn lực, dẫn đến không đáp ứng được nguồn nước. Cơ chế quản lý về nước sạch nông thôn không đồng bộ, chồng chéo và không nhất quán. Việc đầu tư cho nước sạch cũng không theo một quy hoạch nào; có nơi do xã đầu tư, có nơi do huyện đầu tư, có nơi TP đầu tư, có nơi do bộ đầu tư… Ngay cả bây giờ, quy hoạch cấp nước sạch nông thôn cũng chồng chéo với quy hoạch cấp nước sạch đô thị. Cụ thể, quy hoạch cấp nước sạch nông thôn mục tiêu đến năm 2020, định hướng đến 2030, nhưng quy hoạch cấp nước sạch đô thị mục tiêu đến 2030, định hướng đến năm 2050, nên một số xã nằm trong quy hoạch đấu nối nước đô thị đến 2030 mới được thực hiện.

Tại các “điểm nóng” về nước sạch như xã Ngọc Mỹ (Quốc Oai), xã Chàng Sơn (Thạch Thất, Sở có biện pháp gì để người dân hết “khát”, thưa ông?

- Một số khu vực nông thôn thiếu nước sinh hoạt như ở Quốc Oai, Thạch Thất, Sở NN&PTNT đã báo cáo UBND TP đề xuất phương án xử lý, đề xuất dự án đầu tư khắc phục tình trạng thiếu nước sạch. Tuy nhiên 2 huyện Quốc Oai và Thạch Thất đã được UBND TP phê duyệt chuẩn bị đầu tư giao Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội đầu tư trong nguồn vốn vay và đấu nối từ hệ thống nước sông Đà nên các phương án, dự án do Sở NN&PTNT đề xuất đã không được chấp thuận. Công ty Nước sạch Hà Nội đang trong giai đoạn lập dự án nên phải một thời gian nữa, khu vực này mới có được nước sạch.

Theo mục tiêu của Chương trình Nước sạch &VSMT nông thôn, đến hết năm 2015, 60% dân số khu vực nông thôn Hà Nội sẽ được sử dụng nước sạch nhưng hiện mới chỉ đáp ứng hơn 35%. Vậy, Sở NN&PTNT có giải pháp gì để thực hiện mục tiêu này trong bối cảnh còn rất ít thời gian là đến hạn chót của Chương trình?

- Mục tiêu của Chương trình Nước sạch và VSMT nông thôn cũng như Chương trình xây dựng NTM là đến  hết năm 2015, 60% dân số khu vực nông thôn của Hà Nội được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Như vậy, với con số 35,26% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đến hết năm 2013 thì trong năm 2014 và 2015, Hà Nội phải giải quyết được 24,74% số dân nông thôn được sử dụng nước sạch thì mới đạt mục tiêu đề ra.

Để đạt được mục tiêu này, Sở NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch thực hiện. Ngoài các giải pháp về thông tin tuyên truyền, vận động Nhân dân, kêu gọi xã hội hóa trong công tác đầu tư… Sở tập trung vào các việc sau: Cải tạo, nâng cấp để phục hồi 16 trạm cấp nước đang đầu tư dở dang. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng 6 trạm cấp nước liên xã tại những điểm đã được UBND TP phê duyệt; tiếp tục đầu tư 7 trạm cấp nước liên xã bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới; đầu tư 40.000 bể lọc cho các hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn về nước và cho các gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn. Sở NN&PTNT cũng tham mưu cho UBND TP ban hành những chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư theo chính sách xã hội hóa và Quyết định 131 của Chính phủ. Đến nay, toàn TP đã xây dựng được 10.000/40.000 bể lọc. Đã giao cho doanh nghiệp 9 trạm cấp nước dở dang; lập dự án và trình UBND TP 6/7 dự án vay vốn WB.

Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính nên năm 2014 chưa bố trí được vốn cho đầu tư 6 trạm cấp nước liên xã và 30.000 bể lọc. Ngoài ra, còn một số khó khăn liên quan đến cơ chế chính sách trong thủ tục giao đất, kêu gọi xã hội hóa…, nên cần nhiều biện pháp cấp bách để đạt được mục tiêu mà chương trình đề ra.

Rõ ràng, để hoàn thành mục tiêu của Chương trình Nước sạch và VSMT nông thôn rất cần sự hỗ trợ và tích cực vào cuộc của các cấp, ngành TP và cộng đồng?

- Chúng tôi cho rằng, để đạt được mục tiêu đến hết năm 2015, Hà Nội có 60% dân số khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch, UBND TP cần sớm ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2014 – 2020, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngành nước tích cực tham gia đầu tư. Đồng thời, chỉ đạo các công ty, các huyện tập trung đầu tư, triển khai, bàn giao các công trình cấp nước cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần bố trí kinh phí để hoàn thành nốt các trạm cấp nước dở dang và sớm bố trí vốn để tiếp tục đầu tư 6 trạm cấp nước sạch liên xã đã được UBND TP phê duyệt, bố trí vốn để thực hiện 30.000 bể lọc xử lý nước hộ gia đình trong năm 2014 và 2015. Chúng tôi cũng đề nghị, UBND TP chỉ đạo các công ty cấp nước đô thị thực hiện các dự án đấu nối nước sạch cho nông thôn vùng ven đô thị và đẩy nhanh các dự án đã được UBND TP phê duyệt.

Xin cảm ơn ông!