Phú Thọ:
Rất đông người cao tuổi đi làm thủ tục hưởng trợ cấp hưu trí xã hội
Kinhtedothi - Những ngày gần đây, tại nhiều trung tâm phục vụ hành chính công cấp phường, xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, lượng người cao tuổi đến làm thủ tục hưởng trợ cấp hưu trí xã hội theo chính sách mới tăng đột biến.

Đăng ký thủ tục hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Vĩnh Yên. Ảnh: Sỹ Hào
Đi làm thủ tục hưởng trợ cấp hưu trí xã hội
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) năm 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, trong đó mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Theo chính sách mới, có hai nhóm người cao tuổi sẽ được nhận khoản trợ cấp này, gồm: nhóm từ 75 tuổi trở lên, không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hằng tháng; nhóm từ 70 đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo, không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hàng tháng.
Mức trợ cấp hưu trí xã hội được quy định là 500.000 đồng/tháng. Đối với các trường hợp đang đồng thời là đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng khác, sẽ được chi trả theo mức có lợi hơn.

Ngoài việc đi lại xa xôi thì việc tiếp cận công nghệ cũng là rào cản với những người cao tuổi trong giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Sỹ Hào
Tại phường Vĩnh Yên, từ sáng sớm 18/7, hàng trăm người cao tuổi đã tập trung tại Trung tâm phục vụ hành chính công để làm thủ tục hưởng chế độ mới.
Ông Thiều Chí Huỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công phường Vĩnh Yên cho biết: “Chỉ trong khoảng 5 ngày trở lại đây, mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận từ 300 - 400 lượt người cao tuổi đến đăng ký. Họ đến từ các khu dân cư thuộc các địa phương trước đây là phường, xã như Tích Sơn, Thanh Trù, Hội Hợp, Đồng Tâm…”
Ông Huỳnh cũng chia sẻ, phần lớn người cao tuổi đến làm thủ tục đều gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ: nhiều người không nhớ ngày tháng năm sinh, không nhớ hoặc chưa từng có tài khoản VNeID, không biết cách đăng ký ngân hàng hay mật khẩu điện tử. Việc này khiến công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trở nên vất vả hơn cho cán bộ tiếp dân.
Người già mong muốn được hỗ trợ trực tiếp, giảm thủ tục rườm rà
Chia sẻ với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, cụ bà Nguyễn Thị Lịch (khu Thanh Trù) cho biết: “Con cái bận đi làm nên tôi phải tự làm thủ tục. Cán bộ ở đây rất tận tình hướng dẫn từng bước điền đơn, mở tài khoản ngân hàng. Chúng tôi cứ ai bảo sao thì làm vậy, chứ bảo nhớ mật khẩu hay sử dụng tài khoản thì chịu”.
Còn ông Nguyễn Văn Trọng (khu Đồng Tâm) cho rằng, chính sách mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là rất thiết thực và nhân văn: “Ở nông thôn, người cao tuổi phần lớn không có lương hưu, sống phụ thuộc vào con cháu. Có thêm khoản trợ cấp 500.000 đồng/tháng cũng là sự hỗ trợ rất ý nghĩa để cải thiện cuộc sống.”
Tuy nhiên, từ thực tế tiếp nhận hồ sơ, nhiều người cao tuổi và cán bộ địa phương cho rằng nên có cơ chế hỗ trợ thuận tiện hơn. Ví dụ, chính quyền địa phương có thể rà soát, lập danh sách các cụ đủ điều kiện, thông báo cụ thể thời gian đến làm thủ tục theo khu vực, tránh tình trạng tập trung đông đúc, chen chúc như hiện nay.
“Một số cụ sống cả đời chưa từng ra khỏi làng, nay lại phải di chuyển xa, tự xoay sở làm thủ tục, thật sự không đơn giản. Nếu chính quyền cơ sở chủ động hơn trong việc tiếp cận, hỗ trợ, chắc chắn các cụ sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều” - một cán bộ địa phương chia sẻ.

Chính sách hỗ trợ hưu trí xã hội cho người già là minh chứng cho tinh thần nhân văn, nỗ lực bao trùm an sinh trong quá trình phát triển đất nước. Ảnh: Sỹ Hào.
Việc bổ sung chính sách trợ cấp hưu trí xã hội cho người cao tuổi theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024 là bước tiến quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh người cao tuổi phần lớn khó khăn trong tiếp cận công nghệ, việc đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ trực tiếp, thậm chí tổ chức các đợt “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để hướng dẫn, lập danh sách cụ thể là rất cần thiết.
Việc triển khai đồng bộ, bài bản, sát với thực tiễn không chỉ giúp giảm tải cho các trung tâm hành chính công, mà còn bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân, nhất là người già ở vùng nông thôn, miền núi, nơi còn hạn chế về hạ tầng, thông tin. Hơn cả một khoản hỗ trợ vật chất, chính sách mới còn là minh chứng cho tinh thần nhân văn, nỗ lực bao trùm an sinh trong quá trình phát triển đất nước.
Phú Thọ: tập trung chỉ đạo giải phóng mặt bằng dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Kinhtedothi - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Trần Duy Đông vừa chủ trì hội nghị chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đây là dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, có chiều dài gần 100km đi qua địa bàn 5 phường, 15 xã của tỉnh Phú Thọ.

Tỉnh Phú Thọ: khẩn trương phòng chống dịch tả lợn châu Phi
Kinhtedothi - Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Trần Duy Đông vừa ký ban hành Văn bản số 437/UBND-NNMT, yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống dịch.
Phú Thọ: nhiều vướng mắc cần tháo gỡ cho các trung tâm hành chính công
Kinhtedothi - Sau hơn 2 tuần chính thức đi vào hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, hệ thống trung tâm phục vụ hành chính công (TTPVHCC) tỉnh Phú Thọ, bao gồm trung tâm cấp tỉnh và 148 trung tâm cấp xã, phường, đã cơ bản vận hành ổn định.