70 năm giải phóng Thủ đô

Rất khó kiểm tra các bệnh viện tuyến Trung ương và Bộ, ngành

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 21/3, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã thông tin về vụ việc một phụ nữ tử vong khi phẫu thuật nâng ngực.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng kiểm tra những đơn vị y tế thuộc Trung ương sẽ khó hơn những bệnh viện do thành phố quản lý.  
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng kiểm tra những đơn vị y tế thuộc Trung ương sẽ khó hơn những bệnh viện do thành phố quản lý.  

Theo bà Huỳnh Mai, nữ bệnh nhân N.T.N.N. (SN 1989) tử vong tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP Hồ Chí Minh (Bệnh viện 1A), đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình vào ngày 18/3. Sau khi sự việc xảy ra, Sở Y tế đã xuống hiện trường để cùng cơ quan chức năng điều tra, bước đầu xác định bác sĩ Nguyễn Văn Thiết đang công tác tại Bệnh viện 30/4, là bác sĩ hợp tác với Bệnh viện 1A. Bác sĩ Thiết có chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế cấp ngày 8/5/2014, với phạm vi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa ngoại, có bổ sung loại hình thẩm mỹ, có quyết định 4127 của Bộ Y tế cấp ngày 26/8/2021 về bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn phẫu thuật, chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ tạo hình”.

Cũng theo bà Mai, gây mê là bác sĩ Võ Văn Tuấn có chứng chỉ hành nghề được Sở Y tế cấp vào ngày 21/1/2014, với phạm vi hoạt động khám chữa bệnh gây mê hồi sức. Hiện vụ việc đang được Công an quận Tân Bình thụ lý điều tra.

Trả lời về trách nhiệm về quản lý Nhà nước (QLNN) của Sở Y tế đối với những cơ sơ gây ra những cái chết của nạn nhân,  Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết: Đối với việc quản lý các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở dược, kinh doanh trang thiết bị cũng như dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn, UBND TP Hồ Chí Minh đã phân bổ cho Sở Y tế, cho UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức kiểm tra, thanh tra xử lý theo địa bàn.

 

Trang web quản lý F0 chỉ có 9 lượt truy cập?

Trả lời câu hỏi phải chăng trang web quản lý F0 của Sở Y tế chỉ có 9 người truy cập? Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, khẳng định phần mềm quản lý ca F0 là nỗ lực của Sở Y tế và Sở Thông tin và Truyền thông nhằm phục vụ cho người dân, hỗ trợ nhân viên y tế. Trong giai đoạn đầu có gặp một số khó khăn và đang được khắc phục. Hiện đã có 21.000 lượt người dân có đăng ký và rất nhiều trường hợp được giải quyết  sau khi khai báo. Nhân viên các Trạm Y tế được tập huấn rất tốt để khi có khó khăn vướng mắc thì giải quyết kịp thời. Trước kia chủ động chờ dân gọi đến, nay chủ động gọi cho dân khi nhận thông tin.

Về công tác QLNN, Sở Y tế được Bộ Y tế giao cho nhiệm vụ cấp một số giấy phép, chứng chỉ hành nghề có liên quan công tác khám chữa bệnh, công tác dược. Riêng từng trường hợp cụ thể, Sở Y tế sẽ phối hợp kiểm tra, xử lý đối với một số đơn vị. Chẳng hạn đơn vị hay bệnh viện của Trung ương đóng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thì Sở Y tế lập kế hoạch báo cáo với UBND TP Hồ Chí Minh  và có thể kiểm tra đối với những đơn vị này sau khi họ đã báo cáo, trao đổi với đơn vị chủ quản của họ.

Hằng năm, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí sẽ có kế hoạch đi kiểm tra tất cả cơ sở theo kế hoạch đề ra, đặc biệt các "điểm nóng" trên địa bàn. Mới đây sau đỉnh dịch, các cơ sở thẩm mỹ cũng nằm trong điểm nóng nên Sở Y tế đã lập kế hoạch kiểm tra. Nhưng khi đi kiểm tra sẽ phải phối hợp với các cơ quan của Bộ Y tế và bộ, ngành có liên quan đối với Bệnh viện Trung ương. Còn đối với những đơn vị hành nghề y, dược thuộc TP quản lý thì Sở Y tế phối hợp với các Phòng Y tế của UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức.

“Để tăng cường hoạt động QLNN trên địa bàn, thời gian qua Sở Y tế có chương trình kỹ thuật số, sử dụng “app y tế trực tuyến” để ghi nhận tất cả thông tin có liên quan phản ánh về hoạt động hành nghề y, dược, trang thiết bị. Từ việc phòng khám quảng cáo, hay những thông tin khác có liên quan đã được ghi nhận và xử lý trong vòng 2 - 6 giờ hoặc 1 - 2 ngày, tùy theo mức độ công việc cũng như sự phối hợp giữa Sở Y tế với các Phòng Y tế, giữa Sở Y tế với Công an TP Hồ Chí Minh và Sở Thông tin - Truyền thông, các ngành có liên quan. Mong rằng khi có việc cụ thể, các cơ quan báo đài kết nối cùng Sở Y tế qua “phần mềm y tế trực tuyến” - bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai mong mỏi.

 

Xử nghiêm những vụ án có tính chất xã hội đen, côn đồ

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Chánh Văn phòng Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết, qua thống kê trong quý I/2022 (tính đến ngày 15/3) có 840 vụ phạm pháp hình sự (giảm 281 vụ), điều tra xử lý 650 vụ, bắt 1.183 đối tượng.

Các loại tội phạm nhìn chung đều giảm như: Trộm cắp, cướp giật, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên vẫn có một số đối tượng manh động chống trả người bị hại, người truy đuổi.

Để giảm tội phạm, Công an TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo tăng cường lực lượng phối hợp tuần tra, mật phục tại các khu vực phức tạp, khi phát hiện thì điều tra, truy bắt. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án xây dựng hệ thống camera ở các cửa ngõ TP. Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ sử dụng các biện pháp nắm tình hình, đấu tranh triệt phá các băng nhóm, chỉ đạo Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an các quận, huyện và TP Thủ Đức xử nghiêm những vụ án có tính chất côn đồ, xã hội đen.

“Công an TP Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác khi đi qua những nơi vắng vẻ. Nếu bị cướp giật, cần truy hô, hạn chế việc giằng co khi bị cướp giật tài sản vì những đối tượng này rất manh động. Khi bị cướp giật, mong người dân ghi nhớ biển số xe, đặc điểm nhận dạng đối tượng, trình báo cơ quan công an để lập hồ sơ điều tra”, Thượng tá Lê Mạnh Hà khuyến cáo.