Rất nhiều trường hợp nếu không chú ý sẽ bị “sập bẫy” tín dụng đen

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hiện nay, các app không chỉ dừng lại ở việc cho vay tiền mà còn liên quan đến hình thức đầu tư tài chính, huy động tiền…; đối tượng vẽ ra rất nhiều lợi nhuận để người dân được hưởng. Tuy nhiên, đây cũng là hình thức, trạng thái của tín dụng đen, người dân cần cảnh giác.

Tài chính là nhu cầu thiết thực trong đời sống hiện nay đối với mọi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng tiếp cận được các khoản vay tín dụng đúng pháp luật. Trên thực tế, nhiều người cho rằng việc cho vay không chính thức (không được cấp phép) giúp đáp ứng một phần nhu cầu cấp bách của cuộc sống. Thế nhưng, cho vay với hình thức lãi cao, “cắt cổ” gây rất nhiều hệ lụy đến đời sống dân sinh.

Theo Thượng tá Đào Trung Hiếu (Cục Truyền thông Công an Nhân dân, Bộ Công an), hiện nay có 2 hình thức cho vay tín dụng đen phổ biến trên không gian mạng là trên các trang web, app điện thoại.
Theo Thượng tá Đào Trung Hiếu (Cục Truyền thông Công an Nhân dân, Bộ Công an), hiện nay có 2 hình thức cho vay tín dụng đen phổ biến trên không gian mạng là trên các trang web, app điện thoại.

Tại buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến “Nâng cao kiến thức pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội và phòng tránh tín dụng đen”, do báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện Phúc Thọ tổ chức ngày 16/6, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu – Cục Truyền thông Công an nhân dân, Bộ Công an cho biết: Từ năm 2019, Bộ Công an đã có đề án tổ chức đấu tranh triệt phá nhiều băng nhóm, tổ chức tín dụng đen. Về mặt pháp luật, các công ty thu nợ không được phép hoạt động; các hình thức cho vay không hợp pháp đã bị xử lý và giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng vẫn đang phải rất vất vả để đấu tranh trên không gian mạng.

Có 2 hình thức cho vay tín dụng đen phổ biến trên không gian mạng là trên các trang web, app điện thoại… Đặc biệt, các hình thức cho vay rất dễ dàng, không cần thế chấp, do vậy nhiều người đã “sập bẫy”.

Luật sư Nguyễn Văn Hà cho biết, hiện nay, rất nhiều trường hợp nếu không chú ý sẽ bị “sập bẫy” tính dụng đen. Ảnh: LĐTĐ.
Luật sư Nguyễn Văn Hà cho biết, hiện nay, rất nhiều trường hợp nếu không chú ý sẽ bị “sập bẫy” tính dụng đen. Ảnh: LĐTĐ.

“Hiện nay, rất nhiều trường hợp nếu không chú ý sẽ bị “sập bẫy” tính dụng đen. Trước đây, việc cho vay theo phương thức truyền thống thì khi đi vay tiền chúng ta sẽ ký đầy đủ số tiền được nhận; có ghi thời gian phải trả nhưng không ghi tiền lãi. Thứ nữa, khi trả lãi, các đối tượng cho vay sẽ yêu cầu người dân chuyển tiền mặt, không có giấy tờ biên nhận. Khi có vấn đề xảy ra, người đi vay rất khó đòi được quyền lợi cho mình” – Luật sư Nguyễn Văn Hà là Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội bổ sung.

Theo Luật sư Hà, hình thức cho vay qua app, trên các trang web, việc vay tiền cũng rất dễ. Hiện nay, các app không chỉ dừng lại ở cho vay tiền mà còn liên quan đến hình thức đầu tư tài chính, huy động tiền… đối tượng vẽ ra rất nhiều lợi nhuận để người dân được hưởng. Tuy nhiên, đây cũng là hình thức, trạng thái của tín dụng đen. Đến khi mất tiền, người dân mới biết mình bị “sập bẫy” tín dụng đen. Và, khi đã là người bị hại, các dữ liệu đều mất, sẽ không có căn cứ để đưa ra pháp luật. Do vậy, mọi người đừng hy vọng về việc kiếm tiền quá dễ dàng, với những app càng quảng cáo, mô phỏng hay thì càng phải thận trọng.

“Việc cho mượn căn cước công dân để vay tiền qua các app tín dụng đen vô cùng nguy hiểm; khi xảy ra vấn đề, người cho mượn căn cước công dân sẽ phải chịu hậu quả”- Luật sư Nguyễn Văn Hà cảnh báo.

Giáo viên trường Mầm non Thanh Đa (huyện Phúc Thọ) gửi tới chuyên gia câu hỏi về giải pháp khi vướng vào lừa đảo trên mạng, bẫy tín dụng đen. Ảnh: LĐTĐ.
Giáo viên trường Mầm non Thanh Đa (huyện Phúc Thọ) gửi tới chuyên gia câu hỏi về giải pháp khi vướng vào lừa đảo trên mạng, bẫy tín dụng đen. Ảnh: LĐTĐ.

Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự, lãi suất vượt quá 20% của khoản vay thì người vay không có trách nhiệm phải trả lãi vì đây là cho vay vi phạm pháp luật; nếu lãi suất dưới 20% thì người vay phải trả. Thượng tá Đào Trung Hiếu cho biết, nếu người dân bị đe dọa do vay tín dụng đen thì cần trình báo an ninh cơ sở để cơ quan chức năng có những biện pháp can thiệp, xử lý.

Nếu người vay bị các đối tượng cho vay tín dụng đen sử dụng thông tin xuyên tạc tung lên mạng xã hội thì người dân cần chụp ảnh màn hình để làm bằng chứng, căn cứ để cơ quan pháp luật xử lý. Người dân cũng yêu cầu đối tượng gỡ bỏ những thông tin phản cảm của mình trên mạng. Trường hợp đối tượng không gỡ bỏ thông tin phản cảm, người dân nên gửi đơn đến Thanh tra Sở Thông tin – Truyền thông để được giải quyết.