70 năm giải phóng Thủ đô

Rau an toàn vẫn bí đầu ra

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù chất lượng, sản lượng rau an toàn (RAT) của Hà Nội đã được nâng cao, đáp ứng đòi hỏi của thị trường, song việc tiêu thụ sản phẩm RAT vẫn gặp không ít khó khăn.

Canh tác rau an toàn tại xã Vân Nội, huyện Đông Anh. Ảnh: Ánh Ngọc  
Canh tác rau an toàn tại xã Vân Nội, huyện Đông Anh. Ảnh: Ánh Ngọc  

Hà Nội hiện có hơn 13.000ha sản xuất rau các loại, trong đó có hơn 5.000ha được chứng nhận sản xuất an toàn. TP đã hình thành được 101 vùng sản xuất RAT tập trung, quy mô từ 20ha trở lên. Từ việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tại các vùng sản xuất RAT tập trung, sản lượng tăng cao, giá trị sản xuất trung bình đạt từ 300 - 500 triệu đồng/ha/năm, đặc biệt có mô hình đạt hơn 1 tỷ đồng/ha.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lê Xuân Trường, tại các vùng rau an toàn, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được áp dụng như che phủ ni lông, nhà lưới, nhà màng... Đến nay, 100% nông dân được tuyên truyền, tập huấn về kỹ thuật sản xuất RAT.

Qua đó, nông dân đã thay đổi tập quán canh tác, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bao bì được thu gom, tiêu hủy bảo đảm vệ sinh môi trường. Đáng chú ý, mỗi vùng sản xuất RAT có ít nhất 1 cán bộ bảo vệ thực vật trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật, giám sát việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đánh giá sâu bệnh hại...

Mặc dù những kết quả trong sản xuất RAT là rõ rệt nhưng khâu liên kết, tiêu thụ sản phẩm vẫn còn những hạn chế nhất định. Hiện, toàn TP mới có 76 chuỗi liên kết sản phẩm rau, diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ thông qua các hợp tác xã chỉ chiếm 6,1% so với tổng diện tích sản xuất.

Để thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất RAT theo hướng hàng hóa gắn với chuỗi tiêu thụ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, cùng với việc tổ chức tập huấn kỹ thuật, quản lý chất lượng vùng rau, ngành nông nghiệp sẽ tập trung hỗ trợ các chủ thể tham gia chuỗi RAT về chi phí tư vấn xây dựng các mối liên kết; hạ tầng phục vụ liên kết; giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm.

Trước mắt, các đơn vị chuyên môn của Sở NN&PTNT phối hợp với các DN mở rộng thị trường tiêu thụ RAT cho nông dân. Về phía các huyện, thị xã, Sở NN&PNT Hà Nội đề nghị cần quan tâm quy hoạch vùng sản xuất rau hàng hóa gắn với sơ chế, bảo quản. Đồng thời hỗ trợ kinh phí cho các chuỗi RAT giới thiệu, quảng bá sản phẩm cũng như kinh phí cho việc phân tích mẫu rau, mẫu đất, không khí... phục vụ công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm.