Bên luống cà chua chín đỏ rụng đầy gốc, với vẻ mặt buồn rầu bà Vương Thị Từ, ở thôn Phương Bản, xã Song Phương (huyện Hoài Đức) chia sẻ, đợt này giá rau rẻ quá, cà chua chỉ bán được 3.000 đồng/kg, thị trường lại tiêu thụ chậm nên không bõ công thu hoạch.
“Gia đình tôi có 4 sào trồng bắp cải và cà chua, hiện chỉ còn gần 1 sào cà chua chưa thu hoạch, nếu tình trạng giá thấp vẫn tiếp diễn rẻ như hiện nay thì sang tuần tôi phá bỏ để vào vụ mới” - bà Vương Thị Từ cho biết.
Theo bà Vương Thị Từ, sở dĩ giá rau rẻ, tiêu thụ hoạch là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát đúng dịp cận Tết Nguyên đán và sau Tết, các trường học, bếp ăn tập thể, quán ăn dừng hoạt động nên lượng rau tiêu thụ rất chậm. Hiện, giá rau (bán buôn tại chợ) đang giảm sâu. Cụ thể, giá bắp cải chỉ có giá 1.000 - 1.500 đồng/kg, su hào 500 - 1.000 đồng/củ; súp lơ 2.000 - 3.000 đồng/chiếc…
Cách đó không xa, lão nông Nguyễn Đức Thành cho hay, hơn 30 năm làm nghề trồng rau, chưa năm nào giá rau lại rẻ như đợt Tết Tân Sửu 2021. Nếu như năm ngoái cũng thời điểm này giá bán được 8.000 đồng/kg thì năm nay khi bắp cải chỉ bán được giá 2.000 đồng/kg. Mức giá này thấp nhất so với nhiều năm trở lại đây.
Nhanh tay chặt nhỏ những cây cải bắp quá lứa để làm phân xanh tại ruộng, ông Thành tâm sự: “Gia đình tôi có 2 sào trồng bắp cải, 1 sào đã thu hoạch dịp trước Tết, 1 sào để sau Tết bán nhưng tiêu thụ chậm, giá rẻ như cho nên đành chặt bỏ để làm phân xanh tại ruộng nuôi lứa ngô nếp đang độ 3 lá.
Theo phản ánh của nhiều hộ trồng rau ở Song Phương, hiện nay ngoài rẻ, sức tiêu thụ cũng khá chậm. Nếu như trước đây mỗi ngày có thể bán được 1 tạ rau, thì nay chỉ tiêu thụ được 30kg. Giá rau rẻ, nhiều diện tích quá lứa, thối, hỏng nên nông dân bất đắc dĩ chọn giải pháp phá bỏ ngay tại ruộng làm phân xanh hoặc đem về chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm thức ăn cho cá. Bởi đây là thời điểm khẩn trương thu hoạch lứa rau vụ Đông để chuyển sang canh tác vụ rau mới với các loại rau đúng mùa như: Cà, mướp, ngô…
Tại vùng rau an toàn thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức), nhiều diện tích cải bẹ, cải ngồng, hành ăn lá… đã quá lứa, thối rữa giữa đồng chả ai đoái hoài để tự phân hủy rồi cày xới đất làm lại vụ sau.
Đang nhanh tay nhổ bỏ diện tích cải ngọt đã quá lứa, chị Nguyễn Thị Tuyết buồn rầu nói: “Rau rẻ nên chả bõ công mang ra chợ bán. Vì vậy tôi cắt bỏ rồi ủ đất lên làm phân xanh luôn”.
Việc rau rớt giá, khó tiêu thụ không chỉ riêng ở Hoài Đức mà là tình trạng chung của các vùng trồng rau trên địa bàn Hà Nội. Trên thực tế, giá rau, củ, quả đã rớt giá từ thời điểm trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đến nay. Nguyên nhân chính là do dịch Covid-19 bùng phát, nhiều trường học, nhà hàng đóng cửa, khiến việc tiêu thụ bị gián đoạn. Để chủ động hơn trong sản xuất, nhiều hộ dân sau khi thu hoạch xong đã để cho đất nghỉ ngơi, chờ có thông báo mới về dịch Covid-19 mới tái sản xuất.