Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rét đậm, rét hại đe dọa hàng chục triệu vật nuôi

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ tháng 12/2021 đến nay, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại. Đáng chú ý khi các đợt rét đã để lại hậu quả nghiêm trọng về người.

Đốt than tổ ong sưởi ấm, 2 người bị ngạt khí

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, từ tháng 12/2021 đến nay, cả nước đã xảy ra 9 đợt không khí lạnh. Trong đó, 2 đợt không khí lạnh mạnh đã gây rét đậm, rét hại cho khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với nhiệt độ thấp nhất tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 1,80C, Sa Pa 4,50C, Phanxipang (Lào Cai) -20C…

Ủ ấm chống rét cho vật nuôi tại huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái). Ảnh: Văn Thông.
Ủ ấm chống rét cho vật nuôi tại huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái). Ảnh: Văn Thông.

Trước diễn biến thiên tai, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã theo dõi chặt chẽ, kịp thời chỉ đạo các địa phương và các cơ quan chuyên môn liên quan chủ động các biện pháp ứng phó. Đồng thời biên soạn, cung cấp các tài liệu, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống rét đậm, rét hại cho các địa phương và các cơ quan thông tấn, báo chí để truyền thông, hướng dẫn người dân.

Mặc dù vậy, rét đậm, rét hại từ đầu mùa đã gây thiệt hại nghiêm trọng. Đáng chú ý khi rét đậm, rét hại khiến 3 người chết, 3 người ngạt khí phải cấp cứu (2 vụ ngạt khí khi đốt than tổ ong để sưởi ấm tại huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá). Ngoài ra, 22 con gia súc tại Bắc Kạn và Sơn La cũng đã bị chết.

Gần 10 triệu vật nuôi nguy cơ ảnh hưởng

Bản tin nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia ngày 16/2 cho biết, từ ngày 19 - 23/2, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra đợt rét đậm, rét hại mạnh nhất kể từ mùa Đông 2021 - 2022. Nhiều nơi nhiệt giảm sâu, vùng núi cao có khả năng cao xảy ra mưa tuyết và băng giá; trung du và đồng bằng có thể dưới 100C. 

 

Để chủ động ứng phó rét đậm, rét hại, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai khuyến cáo người dân không dùng bếp than tổ ong để sưởi ấm trong phòng kín tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại về người. Đồng thời, căn cứ tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương để chủ động cho học sinh nghỉ học.

Thống kê cho thấy, một số đối tượng sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh miền núi phía Bắc có nguy cơ chịu ảnh hưởng và thiệt hại do rét đậm, rét hại. Trong số này đáng chú ý có gần 1,4 triệu con trâu; 1,1 triệu con bò; 6,2 triệu con lợn; 98 triệu con gia cầm, và 67.231ha nuôi trồng thủy sản.

Để chủ động ngăn ngừa, giảm nhẹ hậu quả thiên tai, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời đến Nhân dân để ứng phó. Tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, nhất là người già, trẻ nhỏ, học sinh.

Đại diện Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cũng đề nghị các địa phương chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho vật nuôi, cây trồng (đặc biệt là diện tích lúa vụ Đông Xuân mới gieo cấy). Đồng thời, tổ chức các đoàn công tác xuống cơ sở để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, tránh…