Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rét đậm, rét hại: Người già, trẻ nhỏ đổ bệnh

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Miền Bắc đang trải qua những ngày lạnh giá nhất kể từ đầu mùa Đông đến nay, có nơi xảy ra rét đậm, rét hại. Trong những ngày qua, tại một số cơ sở y tế đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân cấp cứu, nhập viện do các bệnh hô hấp, tim mạch, đột quỵ…

Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân đột quỵ trong những ngày giá rét tại Bệnh viện Lão khoa T.Ư.
Người cao tuổi dễ mắc bệnh và biến chứng
Tại Khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện (BV) Lão khoa T.Ư từ cuối tuần qua đến nay, mỗi ngày có 50 - 60 bệnh nhân nhập viện, đa phần là ca nặng (con số này trong những ngày thường là 30 - 40 ca). Bác sĩ Nguyễn Danh Cường - Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ cho biết, thời tiết rét sâu, rét kéo dài những ngày gần đây là nguyên nhân khiến cho lượng bệnh nhân tới cấp cứu và số ca bệnh nặng tăng đột biến. Theo giải thích của bác sĩ Cường, khi nhiệt độ thay đổi, đáp ứng của người cao tuổi kém hơn người trẻ. Họ dễ mắc bệnh lý về hô hấp như viêm họng, viêm phổi, bệnh hen phế quản hoặc đợt cấp tính của các bệnh mạn tính. Ngoài ra, nếu nhiễm lạnh đột ngột, cơ thể có sẵn yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường…, huyết áp dễ tăng vọt dẫn đến đột quỵ.

Hiện tại, 1/3 số ca vào cấp cứu tại Khoa Cấp cứu và Đột quỵ là bệnh nhân đột quỵ, số còn lại do mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch. Bác sĩ Cường khuyến cáo, để tránh hệ lụy xấu với sức khỏe khi trời trở lạnh sâu, người cao tuổi nên đảm bảo đủ ấm, nhất là vùng đầu, mặt, cổ, ngực và chân. Tránh đi ra ngoài khi nhiệt độ quá thấp, tránh dậy sớm, thức khuya. Nên duy trì tập thể dục, tuy nhiên trong thời tiết lạnh tốt nhất là tập luyện tại nhà.

Còn tại BV Thanh Nhàn, những ngày qua, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ tăng trên 15%. Riêng BV Bạch Mai, nơi có Trung tâm điều trị đột quỵ lớn nhất cả nước, tỷ lệ bệnh nhân cấp cứu tại đây tăng khoảng 30%, khiến số bệnh nhân đột quỵ một tháng qua là hơn 1.000 ca, có ngày hơn 50 trường hợp bệnh nhân đột quỵ vào cấp cứu. Có những bệnh nhân 30 - 40 tuổi cũng bị đột quỵ.

Bệnh nhi điều trị nội trú tăng

Theo thông tin từ BV Nhi T.Ư, cơ sở này đang điều trị cho gần 2.000 bệnh nhân nội trú. Trong khi đó, lượng bệnh nhân nội trú tại các trung tâm của BV hầu hết đạt xấp xỉ 100%, thậm chí vượt số giường thực kê. Theo các bác sĩ, lượng bệnh nhi đến khám ngoại trú những ngày qua tại BV có xu hướng giảm, tuy nhiên, bệnh nhân nặng phải nội trú lại tăng. Số trẻ nhập viện chủ yếu mắc các bệnh về hô hấp, cúm A, một số trẻ bị biến chứng viêm cơ tim.

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải - Trưởng khoa Nội nhiễm, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em, BV Nhi T.Ư cho biết, từ tháng 10 đến nay, BV tiếp nhận trên 1.000 trẻ nhập viện vì bị cúm A nặng, bị biến chứng. Đa phần trẻ dưới 3 tuổi mắc bệnh và chưa được tiêm vaccine phòng cúm. Để phòng lây nhiễm chéo, Trung tâm đã dành riêng nhiều phòng để điều trị bệnh nhân cúm, cách ly với những ca bệnh khác. Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải, bệnh cúm A có thể tự khỏi sau 3 - 5 ngày. Tuy nhiên, những trẻ có bệnh mạn tính như hen phế quản, viêm phế quản co thắt, bệnh chuyển hoá, thiếu máu, suy giảm miễn dịch... dễ diễn biến nặng, gặp nhiều biến chứng và có thể tử vong. Ngoài biến chứng gây viêm phổi, viêm não, gần đây Trung tâm bắt đầu ghi nhận những ca biến chứng viêm cơ tim. Bệnh nhi bị viêm cơ tim sau cúm thường có biểu hiện sốt cao, đau ngực, bụng, buồn nôn, nhịp tim nhanh và tử vong đột ngột.

Đề cập đến việc phòng chống bệnh cho trẻ nhỏ trong những ngày giá rét, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, trẻ nhỏ, nhất là với trẻ sơ sinh cần được giữ đủ ấm miệng, mũi, cổ và chân. Tuy nhiên, cần chú ý không ủ ấm trẻ quá mức khiến mồ hôi ra nhiều, ngấm ngược vào người, dễ gây viêm phổi. Đặc biệt, phụ huynh hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Khi trẻ nhiễm bệnh, không nên tự ý mua kháng sinh điều trị, việc dùng kháng sinh không đúng cách rất nguy hiểm.
Để dự phòng các biến chứng sức khỏe vào mùa lạnh, cơ thể cần được giữ ấm đầy đủ, đặc biệt đối với người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành. Người dân vẫn nên tăng cường vận động thể lực, tuy nhiên nên tránh tập thể dục ngoài trời vào lúc sáng sớm, nhất là lúc mới ngủ dậy. Khi tắm rửa, cần tắm nơi kín gió, làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm, tránh tăng huyết áp đột ngột do lạnh.

Bác sĩ Nguyễn Danh Cường - Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, BV Lão khoa T.Ư