Rõ ràng về cơ chế nhưng phải quyết liệt trong thực hiện cam kết

Doãn Thành (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung quanh những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện cải tạo chung cư cũ, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với KTS Trần Huy Ánh - Hội KTS Hà Nội để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

 KTS Trần Huy Ánh - Hội KTS Hà Nội 
Ông đánh giá thế nào về đề án xã hội hóa công tác cải tạo các khu tập thể, chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô?
- Rõ ràng đây là cách làm rất tốt của TP, trong hoàn cảnh nguồn ngân sách ngày càng eo hẹp, không có đủ khả năng bỏ một khoản tiền lớn ra để thực hiện một loạt các công trình công ích. Trong khi đó, vấn đề về nhà tập thể, chung cũ lại gắn chặt với quyền lợi của người dân, người dân đang sinh sống chính là những người có quyền lợi khi phải thực hiện cải tạo, xây dựng mới.
Tuy nhiên, khi đề án này được đưa vào triển khai thì thực tế gặp rất nhiều vướng mắc, trong đó vướng mắc nhất là do thỏa thuận giữa DN và người dân. DN muốn đầu tư vào khu vực đó ngoài phần cải tạo còn có thêm phần để kinh doanh, nên họ muốn có một mức bồi thường hợp lý; còn đối với người dân họ coi đây là tài sản của cả đời nên đòi mức hỗ trợ, bồi thường cao..., từ đó nảy sinh những vướng mắc không thể dễ dàng áp cơ chế vào thực hiện được, mà phải tuân theo cơ chế của thị trường.
Cơ chế thị trường ông mới đề cập được hiểu như thế nào?
- Vấn đề này nó nằm ở ngay phía nhà quản lý, đó là phải xác định ngay từ khi tiến hành thực hiện đề án cải tạo, đó là thực hiện theo cơ chế thị trường hay thực hiện theo cơ chế bao cấp. Vì chung cư cũ là sản phẩm của bao cấp, nếu bây giờ lấy theo cơ chế thị trường để điều chỉnh thì phải xác định rõ ràng, đây là thực hiện theo cơ chế phúc lợi hay đây là bài toán kinh doanh.
Nếu xác định là cơ chế phúc lợi thì nguồn ngân sách eo hẹp không đủ để thực hiện; còn nếu thực hiện theo bài toán kinh doanh, nghĩa là cho xã hội hóa công tác cải tạo nhà tập thể, chung cư cũ thì phải tuân theo cơ chế thị trường. Giữa DN và người dân phải có sự thỏa thuận ngang bằng nhau về quyền lợi và lợi ích.
Nếu hai bên không thống nhất với nhau được mức giá để đảm bảo ngang bằng về quyền lợi thì có phương án nào để giải quyết hiệu quả vấn đề này, thưa ông?
- Khi xác định xã hội hóa cải tạo chung cư cũ, một mặt Nhà nước tôn trọng thỏa thuận ngang bằng theo cơ chế thị trường, nhưng phải quyết liệt trong vấn đề yêu cầu thực hiện những cam kết.
Trong trường hợp khu chung cư đó đã ở mức nguy hiểm, không thể tiếp tục sinh sống, nếu gia đình nào vẫn “cố tình” trụ lại để sống thì sẽ phải tự chịu trách nhiệm hoàn toàn về các tổn thất; những trường hợp nào thuộc diện phải di dời thì cần kiên quyết thực hiện di dời để đảm bảo an toàn. Người dân phải nhìn nhận một cách đúng đắn và thiết thực về quyền lợi của mình tại các khu chung cư cũ, vừa đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, vừa góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị cho TP.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần