Rộn ràng khí thế vụ xuân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau những ngày vui xuân, tranh thủ thời tiết nắng ấm và nguồn nước có được sau hai lần xả nước từ các hồ thủy điện, bà con nông dân các huyện lại nô nức xuống đồng làm đất, lấy nước, gieo cấy vụ xuân 2014 với một khí thế rất rộn ràng. Năm nay thời tiết thuận lợi nên người nông dân hy vọng một mùa vụ bội thu.

Vui Tết, không quên nhiệm vụ

Sáng 5/2, cánh đồng Giáp Cõi, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ đã đông nghịt người xuống đồng đắp bờ, cấy lúa. Nhiều thửa ruộng đã ngập nước và được làm đất nhuyễn, chuẩn bị cho khâu cấy lúa. Những chiếc máy làm đất chạy xình xịch trên những thửa ruộng rộng lớn, vuông vức vừa mới được dồn điền đổi thửa. Không ít thửa ruộng đã được phủ xanh bởi những hàng lúa mới cấy thẳng đều tăm tắp. Vừa cấy cùng với hai lao động thuê thêm trên thửa ruộng 3 sào, chị Dương Thị Xuân, thôn Mỹ Giang, xã Tam Hiệp phấn khởi cho biết, tuy không khí Tết vẫn còn nhưng đến thời vụ gieo cấy, bà con vẫn ra đồng làm rất tích cực. "Trong ngày hôm nay (5/2), nhà tôi sẽ cấy xong thửa ruộng lớn nhất này. Dù đang vui xuân nhưng nếu không đi làm đồng thì vẫn thấy nhớ lắm" - chị Xuân chia sẻ.
Nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội đã ra quân triển khai cấy vụ xuân.           Ảnh:  Thái Hiền
Nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội đã ra quân triển khai cấy vụ xuân. Ảnh: Thái Hiền
Điều vui mừng là từ ngày 3/2 (tức mùng 4 Tết), trong không khí xuống đồng khẩn trương của bà con nông dân, lãnh đạo huyện Phúc Thọ và các xã, thị trấn đã trực tiếp xuống đồng động viên bà con nông dân tập trung gieo cấy đúng lịch thời vụ, đúng kỹ thuật, phấn đấu giành vụ xuân thắng lợi. Hơn nữa, vụ xuân 2014, huyện Phúc Thọ đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để triển khai chương trình đưa kỹ thuật mạ khay, cấy máy thí điểm tại 4 xã gồm Phụng Thượng, Hát Môn, Võng Xuyên và Ngọc Tảo.
Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), kết thúc đợt xả nước đổ ải lần 2, các tỉnh khu vực Trung du, Đồng bằng Bắc Bộ đã lấy nước đổ ải được hơn 400.000ha, đạt 63,3% diện tích. Trong đó, các tỉnh cấp nước đạt cao là Hải Phòng (94,1%), Nam Định (92,8%), Phú Thọ (87,2%), Hà Nam (81,6%)… Từ ngày 8/2, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ xả nước đợt 3 phục vụ gieo cấy vụ xuân.
Với khí thế rộn ràng không kém, từ ngày 4 - 5/2, bà con nông dân xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất cũng khẩn trương ra quân cấy lúa xuân. Trên cánh đồng Đằng, xã Đại Đồng, toàn bộ các luống mạ đã được gỡ bỏ ni lông che phủ, để lộ ra màu xanh non tươi mới. Chị Nguyễn Thị Luyến, thôn 5, xã Đại Đồng cho biết, năm nay, thời tiết nắng ấm nên bà con ra đồng cấy sớm. Với điều kiện đủ nước và có máy làm đất như hiện nay, mỗi lao động có thể cấy được 1 sào/ngày, kịp hoàn thành sớm thời vụ gieo cấy.

Theo UBND huyện Thạch Thất, vụ xuân năm nay toàn huyện gieo cấy gần 5.000ha lúa. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện đã triển khai mô hình thí điểm mạ khay, cấy máy ở toàn bộ 100% xã, thị trấn với tổng diện tích 55ha. Theo tính toán, giá thành cấy theo phương pháp này giảm so với cấy theo tập quán cũ là 80.000 - 100.000 đồng/sào.

Đảm bảo đủ nước, đủ giống

Trong vụ xuân 2014, hầu hết các huyện đều quan tâm đến việc đưa các giống lúa mới vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Ông Chu Đại Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, 100% giống lúa trong vụ xuân trên địa bàn là các giống ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao như Hương biển 3, Thiên ưu 8, CXT, TBR45...

Tương tự, tại huyện Ba Vì, vụ xuân năm nay, huyện đã chỉ đạo các địa phương tuyên truyền vận động nhân dân cấy hết diện tích 6.500ha lúa với cơ cấu 90% là các giống ngắn ngày, tập trung vào các giống có năng suất cao, chất lượng tốt. Đặc biệt, huyện tiếp tục hỗ trợ 50% giá các giống lúa gồm Bắc thơm số 7, TBR45, Hương thơm số 1, RVT, Lúa lai, Khang dân đột biến… Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng chủ động giống, vật tư nông nghiệp, đảm bảo cho nhân dân hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ xuân. Đặc biệt, huyện Ba Vì đã chỉ đạo Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng máy móc, các trạm bơm, đồng thời phối hợp với các xã, thị trấn xây dựng lịch bơm và điều tiết nước hợp lý. Tại huyện Phúc Thọ, trạm bơm T5 cũng vừa được đầu tư nâng cấp, cải tạo, với tổng kinh phí khoảng 700 triệu đồng, đảm bảo cung cấp nước cho 400ha của các xã Vân Nam, Vân Phúc, Long Xuyên và Ngọc Tảo.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, vụ xuân 2014, toàn TP phấn đấu gieo cấy 102.000ha lúa, năng suất dự kiến đạt 61,2 tạ/ha, sản lượng 624.240 tấn. Khung thời vụ tốt nhất là trà xuân muộn, cấy tập trung từ giữa cho đến cuối tháng 2. Để đảm bảo gieo cấy đúng thời vụ, hoàn thành kế hoạch đặt ra, Sở đã chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã có phương án và chính sách hỗ trợ, đảm bảo đủ giống, vật tư cho sản xuất. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp thủy lợi xây dựng phương án, kế hoạch chống hạn, cấp đủ nước đổ ải, tưới dưỡng...

 
Thị xã Sơn Tây thi đua sản xuất ngay đầu năm mới
Sau những ngày Tết ấm cúng bên gia đình người thân, khắp nơi trên địa bàn Thị xã, người dân lại rộn ràng khí thế thi đua sản xuất, tất cả cùng hướng đến năm mới với hy vọng nhiều thắng lợi mới.
Mặc dù Tết Giáp Ngọ được nghỉ 9 ngày, nhưng nhiều đơn vị, doanh nghiệp, công ty trên địa bàn đã chủ động ra quân sản suất đầu năm khá sớm với khí thế và quyết tâm cao. Tại Công ty CP May Sơn Hà, hàng ngàn cán bộ, công nhân của Công ty đã ra quân sản xuất đầu năm với không khí thi đua sản xuất sôi nổi. Để hoàn thành mục tiêu sản xuất kinh doanh năm 2014, ngay từ đầu năm, đơn vị đã động viên cán bộ, công nhân viên tích cực phát huy sáng kiến tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng, làm ra sản phẩm chất lượng xuất khẩu sang thị trường chủ yếu là Mỹ và Italia, phấn đấu giá trị xuất khẩu đạt 3 triệu USD. Năm 2013, đơn vị đã sản xuất trên 1 triệu 500 ngàn sản phẩm, giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt trên 37 triệu USD, giá trị nhập khẩu hàng hóa trên 19 triệu USD, đảm bảo việc làm ổn định cho gần 1.600 lao động. Các chế độ, chính sách lương, thưởng của công nhân viên được Công ty chi trả kịp thời, đầy đủ tạo động lực cho công nhân an tâm sản xuất, ra sức thi đua để cho ra nhiều thành phẩm chất lượng, đúng tiến độ, cùng toàn Công ty phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Còn tại các chợ đầu mối của thị xã như chợ Nghệ, chợ Xuân Khanh… người bán, người mua đã họp khá đông, không khác mấy ngày thường. Mấy năm gần đây, nhiều ngành hàng như bánh mứt kẹo, rau quả và thực phẩm tươi sống được các tiểu thương tổ chức bán hàng luôn cả những ngày Tết. Thói quen nghỉ bán hàng trong những ngày Tết đã dần được thay thế bằng việc họp chợ thường xuyên. Nhờ vậy, người dân có thể mua được các mặt hàng thực phẩm tươi sống vừa ngon, vừa đảm bảo chất lượng ATTP.
Ngày mùng 6 Tết, các cán bộ, công nhân viên chức trên địa bàn thị xã cũng bắt đầu ngày làm việc đầu tiên sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Với khí thế thi đua sản xuất sôi nổi của những ngày đầu xuân mới sẽ là động lực thúc đẩy các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cả năm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần