Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rộn ràng mùa khai thác rong mơ

Đỗ Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào mùa rong mơ, người dân các vùng ven biển Quảng Ngãi hối hả khai thác, phơi khô để đưa đi tiêu thụ. Chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, “lộc biển” này đã mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho nhiều gia đình.

Lặn biển săn rong

Trời vừa sáng rõ, người dân thôn Châu Thuận Biển (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã hối hả chèo thúng ra biển, cách bờ chừng 600 - 800m để lặn cắt rong mơ. Từ trên thuyền, ông Nguyễn Hùng (52 tuổi, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu) chỉ vào từng đám bọt khí đang sùng sục nổi lên trên mặt nước, giải thích: “Mấy chỗ đó là nơi có người đang lặn cắt rong”.

Đám bọt khí là dấu hiệu để nhận biết bên dưới có thợ lặn cắt rong mơ.
Đám bọt khí là dấu hiệu để nhận biết bên dưới có thợ lặn cắt rong mơ.

Dưới làn nước biển trong xanh, một thanh niên đeo mặt nạ lặn, đồ bơi và ống dưỡng khí ngoi lên khỏi mặt nước, nghỉ ngơi vài phút rồi tiếp tục lặn xuống. Tấm lưới được thả vây quanh vị trí thợ lặn. Dưới độ sâu từ 2 - 5m, thợ lặn cắt rong rồi thả nổi lên mặt biển. Phía trên, một người khác nhanh tay dùng sào dài, vợt... để vớt rong cho lên bè, hoặc thúng gần đó. Chậm một chút, con nước sẽ đẩy rong trôi nhanh ra ngoài, không vớt kịp.

Theo ông Nguyễn Hùng, một ngày lặn cắt rong thường bắt đầu vào khoảng 5 giờ sáng và đến tận xế chiều mới kết thúc. Nhiều người mang theo cả thực phẩm để ăn trưa và tranh thủ nghỉ ngơi ngay trên biển. Từ sáng sớm đến chiều muộn, mỗi thúng có thể thu được 4 đến 5 tạ rong tươi. Sau khi phơi, mỗi tấn rong tươi sẽ thu được từ 300 - 350kg rong khô, tùy độ già của rong.

Rong mơ sau khi cắt được thả nổi trên mặt nước, người trên ghe, bè phụ trách vớt rong.
Rong mơ sau khi cắt được thả nổi trên mặt nước, người trên ghe, bè phụ trách vớt rong.

Các gia đình có đông người và đủ điều kiện thường đầu tư “bài bản” cho việc hái rong mơ như bình hơi, ghe… và phân công lao động khá rạch ròi, kẻ lặn, người vớt. Người kém điều kiện hơn thì chờ nước cạn vào buổi chiều tà mới kéo bè đi vớt rong mơ dọc bờ cho đến tận đêm.

Khai thác song hành với bảo tồn

Những ngày này, hàng trăm người dân các xã biển như: Bình Hải, Bình Châu,... (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đang tập trung khai thác rong mơ. Năm nay, thị trường thu mua rong mơ với số lượng lớn, nên khai thác bao nhiêu, thương lái mua hết bấy nhiêu.

Rong mơ mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân ven biển.
Rong mơ mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân ven biển.

“Gần 3 tuần qua, trung bình mỗi ngày gia đình có thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng từ khai thác rong mơ. Giá năm ngoái 1kg chỉ có giá 6.000 đồng, năm nay tăng cao, dao động từ 8.000 - 9.000 đồng nên bà con vui vẻ, có cực khổ mấy cũng ráng đi” - ngư dân Nguyễn Văn Phụng (thôn Phú Quý, xã Bình Châu) hào hứng.

Theo ngư dân Nguyễn Văn Phụng, khai thác rong mơ khá vất vả. Thợ lặn phải là nam giới, sức khỏe tốt thì mới có thể lặn thời gian dài dưới nước. Tuy nhiên, những người già, trẻ con cũng thể kiếm thêm thu nhập nhờ việc thu nhặt rong mơ gần bờ và phơi rong cho các hộ đi khai thác nhiều.

Rong mơ sau khai thác được phơi khô.
Rong mơ sau khai thác được phơi khô.

Thông thường, mùa hái rong mơ từ đầu tháng 6 đến tháng 8 hàng năm thì kết vụ. Vào thời gian này, đa số ngư dân tại đây đều sử dụng thuyền đi hái rong mơ thay vì khai thác hải sản. Theo người dân ven biển, mùa rong mơ năm nay ít hơn mọi năm nên có thể sẽ kết vụ sớm.

“Cả gia đình không ai đi biển đánh cá mà tập trung hái rong mơ. Công việc tuy vất vả nhưng cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể” - ngư dân Nguyễn Thành Vũ (thôn Phước Thiện, xã Bình Hải) bày tỏ.

Dọc bờ biển các xã Bình Hải, Bình Châu..., bên cạnh những mớ rong tươi đã chuyển màu đen sau khi được phơi dưới ánh nắng gay gắt của mùa hè là số rong tươi màu nâu vừa được thu hoạch. Hàng chục người, đa số là phụ nữ trung niên lom khom bên bờ biển để trở rong. Họ nắm từng bó rong vừa kéo, vừa lật thoăn thoắt.

Rong mơ sau khi khai thác được phơi khô ở dọc bờ biển.
Rong mơ sau khi khai thác được phơi khô ở dọc bờ biển.

Khai thác rong mơ dù có giá trị về kinh tế, đồng thời giúp giảm tình trạng ô nhiễm khi rong già, đứt gãy, trôi dạt vào bờ. Tuy nhiên, nếu khai thác quá mức cũng sẽ làm ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản.

Nhiều năm qua, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã quy định cụ thể thời gian khai thác rong mơ. Theo đó, nghiêm cấm việc khai thác, mua bán, vận chuyển rong mơ trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/12 năm trước, đến ngày 30/4 năm sau (trừ việc khai thác phục vụ cho công tác nghiên cứu được UBND tỉnh cho phép).

Người dân chỉ được khai thác rong mơ sau ngày 1/5 hằng năm. Khi khai thác không nhổ gốc, mà phải cắt cách gốc ít nhất 10cm và không khai thác quá 75% diện tích rong để các loài thủy sản có nơi cư trú và sinh sản. Trong quá trình khai thác, hạn chế việc giẫm đạp, thả neo tàu… làm hư hại các rạng san hô ven bờ. Quy định này được đưa ra trên cơ sở đặc tính sinh trưởng của rong mơ, vừa đảm bảo cho rong đạt tiêu chuẩn, vừa giữ được bãi đẻ cho các loài thủy sản.

Người dân đi khai thác rong mơ.
Người dân đi khai thác rong mơ.

Theo ông Phạm Cầu - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải, hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 400 hộ dân ngư dân hành nghề khai thác rong mơ. Nhờ rong mơ mà ngư dân địa phương có thêm khoản thu nhập kha khá để trang trải cuộc sống.

“Địa phương vận động và con ngư dân khai thác rong mơ phải chừa khoảng 10cm phần gốc cho các loại hải sản sinh sôi. Khai thác rong mơ phải đúng mùa, nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của tôm cá. Ngư dân cũng đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ rong mơ, tổ chức khai thác đúng thời vụ và thời gian cho phép” - ông Phạm Cầu nói.