Rộn ràng mùa tiên quế ở miền núi Quảng Ngãi
Kinhtedothi-Ở huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) - thủ phủ của cây quế - mỗi năm có 2 đợt thu hoạch. Đợt thứ nhất bắt đầu từ cuối tháng Hai đến hết tháng Tư, đồng bào Cor gọi là "mùa tiên" và đợt thứ hai từ tháng Bảy đến tháng Tám, gọi là “mùa hậu”.
Sau một buổi sáng vất vả, anh Hồ Văn Sang (xã Hương Trà, huyện Trà Bồng) mang về gần 20kg vỏ quế thu hoạch được từ trên rẫy để bán cho thương lái.

Hiện vỏ quế tươi có giá từ 15.000 - 16.000 đồng/kg.
“Giá quế hiện còn rất thấp, vỏ quế tươi từ 15.000 - 16.000 đồng/kg, quế khô 40.000 - 45.000 đồng/kg. Dù vậy, bà con cũng rất phấn khởi vì có thêm thu nhập. Các năm trước giá quế tươi có lúc lên đến 20.000 - 25.000 đồng/kg”- anh Hồ Văn Sang chia sẻ.
Quảng Ngãi là địa phương có vùng trồng quế lớn top đầu ở Việt Nam, tập trung nhiều nhất tại huyện miền núi Trà Bồng- cách trung tâm tỉnh khoảng 40km về phía Tây Bắc. Đây là địa bàn có dân tộc Cor cư trú từ rất lâu đời cùng với cây quế nổi tiếng với hàm lượng tinh dầu cao.

Toàn huyện Trà Bồng hiện có khoảng 5.500 ha trồng quế.
Toàn huyện hiện có khoảng 5.500 ha trồng quế, nhiều xã có diện tích trồng quế lớn như: Trà Hiệp, Trà Sơn, Trà Thủy… Cùng với duy trì diện tích trồng quế hiện tại, huyện Trà Bồng đang triển khai kế hoạch mở rộng diện tích quế, phấn đấu nâng diện tích cây quế đến năm 2030 đạt 6.000 hecta.
Lâu nay, quế là một trong những cây trồng chủ lực ở huyện Trà Bồng. Đặc biệt, hầu như hộ gia đình đồng bào Cor nào cũng trồng quế. Nhà ít thì cũng trồng hơn 1.000 cây, nhiều thì cả vài hecta.
Quế Trà Bồng trở thành nguồn lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế bền vững và xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân. Nhờ trồng quế, không ít hộ dân ở đây thoát nghèo, vươn lên khấm khá.
Ở thủ phủ quế Trà Bồng, mỗi năm có 2 đợt thu hoạch quế. Đợt thứ nhất bắt đầu từ cuối tháng Hai đến hết tháng Tư, đồng bào Cor gọi là "mùa tiên"; đợt thứ hai từ tháng Bảy đến tháng Tám gọi là "mùa hậu". Trong các khoảng thời gian này, vỏ quế dễ bóc và có nhiều tinh dầu hơn hẳn.

Người dân thu hoạch quế.
Đang vào thời điểm “mùa tiên”, nên người dân trồng quế ở huyện Trà Bồng ai cũng tất bật. Người thì lên rẫy lột vỏ quế, người tranh thủ trời nắng để phơi quế bán cho thương lái.
"Từ đầu mùa đến nay, tôi đã thu hoạch vỏ quế bán cho thương lái được gần 10 triệu đồng. Hiện gia đình còn hơn 600 cây quế đến tuổi thu hoạch. Hy vọng thời gian tới, giá quế sẽ tăng cao hơn”- chị Hồ Thị Trúc (xã Trà Hiệp) chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Văn Sương, địa phương đã và đang tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động bà con mở rộng diện tích trồng quế. Đồng thời hỗ trợ nguồn giống chất lượng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình trồng, chăm sóc để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giữ vững và nâng cao thương hiệu của quế Trà Bồng.
Quế Trà Bồng có hương thơm đặc biệt, chứa lượng tinh dầu cao nên được thị trường trong nước và nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc... ưa chuộng. Hiện nay, tinh dầu quế và các mặt hàng mỹ nghệ được sản xuất từ vỏ quế như bình, chén, hộp đựng trà và nhiều sản phẩm gia dụng khác như nước rửa chén, nước lau sàn, tăm, nhang... được tiêu thụ mạnh.
Không chỉ là cây trồng truyền thống của đồng bào Cor, quế Trà Bồng đã được công nhận là đặc sản quốc gia và được Tổ chức Kỷ lục Châu Á vinh danh là đặc sản quà tặng châu Á.

Một số sản phẩm từ quế Trà Bồng.
Là một trong 4 vùng quế trọng điểm của cả nước với sản lượng thu hoạch mỗi năm dao động từ 1.800 đến 2.000 tấn, quế Trà Bồng không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế. Hiện nay, hơn 20 sản phẩm từ quế được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Quảng Ngãi đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát
Kinhtedothi- Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến cuối tháng 9 năm nay, toàn tỉnh phải hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Quảng Ngãi tập trung tiêm vaccine ngừa sởi
Kinhtedothi- Từ nay đến hết tháng 3/2025, ngành y tế Quảng Ngãi tập trung tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi và từ 1 đến 10 tuổi.

Huyện đảo tiền tiêu 50 năm sau ngày giải phóng
Kinhtedothi-Tự hào với chặng đường nửa thế kỷ đã qua, Lý Sơn - quê hương Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải - vững tin bước vào giai đoạn phát triển mới, phấn đấu trở thành trung tâm du lịch biển, đảo quốc gia.