Theo đó, xương sống chính là tuyến đường Võ Nguyên Giáp kết nối từ Sân bay quốc tế Nội Bài về trung tâm thành phố, đầu Rồng hướng về sông Hồng - Hồ Tây, đuôi Rồng là Sân bay quốc tế Nội Bài.
Đúng vào những ngày đầu năm mới 2015, Thủ đô Hà Nội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng tổ hợp các công trình hạ tầng kỹ thuật đặc biệt quan trọng với quy mô lớn và hiện đại nhất Việt Nam đó là cầu Nhật Tân, đường nối cầu Nhật Tân với Sân bay Quốc tế Nội Bài và nhà ga T2 (Sân bay Quốc tế Nội Bài). Với quy mô to lớn cả về công trình xây dựng và kinh phí đầu tư, tổ hợp công trình này đã thực sự làm thay đổi lớn lao bộ mặt đô thị của Thủ đô, là động lực phát triển kinh tế, xã hội và không gian đô thị của Thủ đô Hà Nội nói chung và đô thị phía Bắc sông Hồng nói riêng. Tạo ra một cửa ngõ mới khang trang, hiện đại của Thủ đô Hà Nội đối với quốc tế và cả nước khi đến Hà Nội.
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1259 /QĐ-TTg ngày 26/7/2011 đã xác định hướng phát triển không gian đô thị trung tâm Hà Nội dọc 2 bên bờ sông Hồng với đô thị phía Nam (đô thị hiện hữu) là thành phố đã phát triển hiện nay và phía Bắc là đô thị mới sẽ được xây dựng có hệ thống hạ tầng đồng bộ, không gian cảnh quan kiến trúc hài hòa với cây xanh, hệ thống mặt nước sông Hồng, sông Thiếp - đầm Vân Trì, sông Cà Lồ và Khu di tích lịch sử Cổ Loa. Nơi đây sẽ hình thành trung tâm tài chính ngân hàng, thương mại, dịch vụ, khách sạn quốc tế; các tổ hợp dịch vụ, hội chợ triển lãm quốc gia, khu công viên công nghệ phần mềm, trung tâm đào tạo chất lượng cao, bệnh viện quốc tế; xây dựng các khu nhà ở mới hiện đại kết hợp với việc chỉnh trang cải tạo các khu vực làng xóm hiện có; quy hoạch, tôn tạo Khu di tích lịch sử Cổ Loa kết hợp với xây dựng các khu công viên cây xanh mặt nước; đồng thời xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai, làm cho đô thị Bắc sông Hồng trở thành đô thị mới “Xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”, đồng thời vẫn giữ được những nét truyền thống của kiến trúc, văn hóa Việt Nam. Tạo nên sự tương phản với trung tâm đô thị cổ ngàn năm ở phía Nam sông Hồng .
Tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài (nay được đặt tên là Võ Nguyên Giáp) có vị trí đặc biệt quan trọng của đô thị Bắc sông Hồng, nối Cầu Nhật Tân với Sân bay quốc tế Nội Bài, nối Thủ đô Hà Nội với quốc tế và các địa phương trong cả nước. Đây là tuyến đường quan trọng và là động lực phát triển kinh tế, xã hội và không gian kiến trúc cảnh quan khu vực phía Bắc sông Hồng. Việc lập Quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài nhằm sớm thúc đẩy quá trình hình thành đô thị Bắc sông Hồng, đi đôi với việc kiểm soát phát triển đô thị hai bên tuyến đường sau khi tuyến đường đươc xây dựng là yêu cầu hết sức quan trọng và cấp thiết. Quá trình nghiên cứu lập quy hoạch tuyến đường Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo “Tuyến đường Nhật Tân –Nội Bài là một tuyến trục chính, cửa ngõ đối ngoại của Thủ đô Hà Nội phải được quy hoạch để xây dựng thành trục đô thị hiện đại, tạo điểm nhấn của Thủ Đô”.
Quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài có quy mô 2.080ha, chiều dài toàn tuyến khoảng 12km với điểm đầu là Sân bay quốc tế Nội Bài, điểm cuối là cầu Nhật Tân. Phạm vi nghiên cứu thuộc địa bàn 3 xã của huyện Sóc Sơn, 10 xã của huyện Đông Anh. Đây là tuyến đường có cấp hạng trục chính đô thị với 8 làn xe chạy nhanh và 6 làn xe đô thị hai bên và tuyến đường sắt đô thị số 2 nối trung tâm thành phố phía Nam với Sân bay quốc tế Nội Bài, phân cách giữa phần xe chạy nhanh và phần đường gom đô thị hai bên là dải cây xanh và mương nước kết hợp thoát nước mưa với tổng bề rộng tại vị trí rộng nhất lên tới 240m, tạo cho tuyến đường như một trục cây xanh, mặt nước chạy giữa đô thị hiện đại hai bên.
Trục Nhật Tân - Nội Bài được xác định là cửa ngõ Việt Nam với khu vực và thế giới, do đó quy hoạch trục đường được hướng tới tạo dựng hình ảnh phát triển (quá khứ, hiện đại, tương lai) của Thăng Long - Hà Nội qua từng thời kỳ, tạo dựng bộ mặt của Thủ đô Hà Nội hiện đại, phát triển năng động trên cơ sở lịch sử, văn hóa dân tộc gắn với bảo tồn hệ thống cảnh quan sinh thái tự nhiên; Có môi trường xanh bền vững với dải cây xanh, mặt nước trải dài hai bên tuyến đường, đan xen giữa các công trình kiến trúc, các khu chức năng là không gian cây xanh mặt nước tự nhiên của đầm Vân Trì, sông Thiếp, sông Cà Lồ, đầm Sơn Du, đầm Vĩnh Thanh...
Dọc trục đường tổ chức các khu chức năng công cộng, thương mại, dịch vụ, văn phòng, các khu nhà ở. Các công trình kiến trúc hiện đại được gắn với các hình tượng văn hóa dân tộc như tại khu vực nút giao giữa đường Võ Nguyên Giáp với đường vành đai 3 được xác định là cửa ngõ vào trung tâm thành phố dự kiến xây dựng 2 tháp hình nụ hoa sen đang nở tượng trưng cho cổng chào biểu hiện cho đất nước Việt Nam đang phát triển, khu công viên vui chơi giải trí Kim Quy bên sông Thiếp có quy mô khoảng 100ha được gắn với truyền thuyết lịch sử dân tộc về An Dương Vương, Cổ Loa; ngoài ra các khu hội chợ, triển lãm quốc gia và khu phụ trợ có quy mô khoảng 80ha, khu thương mại dịch vụ quốc tế, các trung tâm dịch vụ y tế, đào tạo chất lượng cao; các khu trung tâm công cộng cấp thành phố và khu vực; các khu nhà ở mới khang trang hiện đại có tầng cao từ 9 đến 20 tầng sẽ được xây dựng dọc hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp kết hợp với chỉnh trang cải tạo các khu dân cư hiện có, tạo nên một trục đường có tổ chức không gian vừa hiện đại vừa hài hòa giữa các khu đô thị mới và khu dân cư hiện có đang đô thị hóa, giữa cây xanh mặt nước, công trình kiến trúc với các khu di tích lịch sử, văn hóa trong khu vực...
Điểm nhấn chính của trục đường là khu trung tâm tài chính ngân hàng, thương mại, dịch vụ khách sạn quốc tế với quy mô gần 100ha đặt tại khu vực Phương Trạch cạnh đầu cầu phía Bắc của cầu Nhật Tân thuộc xã Hải Bối, huyện Đông Anh với tòa tháp tài chính trung tâm cao 108 tầng có hình dáng biểu tượng hoa sen Việt Nam ngày đêm soi bóng xuống dòng sông Hồng cuộn đỏ phù xa. Tòa tháp sẽ là hội tụ điểm nhìn của mọi người và du khách quốc tế khi từ Sân bay quốc tế Nội Bài về trung tâm thành phố và ngược lại.
Trung tâm tài chính ngân hàng, thương mại dịch vụ, khách sạn quốc tế Phương Trạch là điểm giao giữa tuyến đường sắt đô thị số 2 chạy trên đường Võ Nguyên Giáp và tuyến số 4 chạy trên đường 5 kéo dài. Tại đây sẽ bố trí ga đường sắt đô thị đồng thời sẽ phát triển đô thị theo mô hình TOD ( phát triển đô thị trên cơ sở kết hợp phát triển giao thông công cộng ). Đây sẽ là trung tâm mới của đô thị Bắc sông Hồng và của Thủ đô Hà Nội trong tương lai.
Một khu đô thị sinh thái kết hợp các công trình văn hóa thể dục thể thao, thương mại dịch vụ sẽ được hình thành dưới chân cầu dẫn phía Bắc của cầu Nhật Tân tại khu vực bãi Tàm Xá với quy mô khoảng 270ha được giới hạn bởi đê tả Hồng và ranh giới hành lang thoát lũ. Đây sẽ là khu đô thị sinh thái với thể loại nhà ở đa dạng thấp tầng, mật độ thấp, thiết kết gắn với mặt nước (cả tự nhiên và nhân tạo) và không gian xanh của khu vực ngoài bãi sông nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất của khu vực bãi sông với bảo đảm phòng chống lũ, lụt và tổ chức các tuyến du lịch trên sông Hồng.
Quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân- Nội Bài đã cơ bản hoàn thành và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy và UBND Thành phố. Sắp tới, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tiếp tục hoàn thiện và sau khi được chính thức phê duyệt sẽ là cơ sở cho việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư và công tác quản lý phát triển đô thị của hai bên trục đường. Với quy hoạch này, trong tương lai gần, Thủ đô Hà Nội sẽ có thêm một trung tâm đô thị mới phía Bắc sông Hồng để góp phần kiến tạo lên diện mạo của Thủ đô hiện đại, năng động trong thời hội nhập.