70 năm giải phóng Thủ đô

Rốt ráo kiểm tra an toàn thực phẩm bếp ăn trường học

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của TP Hà Nội đã và đang ra quân kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại bếp ăn trường học. Qua kiểm tra cho thấy, công tác đảm bảo ATTP bếp ăn trường học vẫn còn nhiều việc phải làm nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập để nâng cao chất lượng và đảm bảo sức khỏe cho học sinh.

Đoàn kiểm tra liên ngành của TP kiểm tra bếp ăn tập thể trường Tiểu học &THCS Xanh Tuệ Đức, huyện Thanh Oai.
Rõ trách nhiệm giải trình về chất lượng thực phẩm
Qua kiểm tra tại 2 trường Mầm non Mỹ Hưng và trường Tiểu học &THCS Xanh Tuệ Đức, huyện Thanh Oai cho thấy, các trường chấp hành nghiêm quy định về ATTP, có đầy đủ hồ sơ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ thực phẩm. Cả 2 bếp ăn nhà trường đều tuân thủ bếp ăn một chiều, lưu mẫu thức ăn theo quy định. Xét nghiệm nhanh, tinh bột, bát, đĩa ăn đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ. Rau cải, giá đỗ, hành lá âm tính với hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Mặc dù 2 bếp ăn tập thể có lưới chống côn trùng nhưng Đoàn kiểm tra đề nghị nhà trường tổng vệ sinh môi trường, thiết kế thêm mành nhựa bên ngoài cửa ra vào.

Theo báo cáo của huyện Thanh Oai, trên địa bàn huyện có 76/117 bếp ăn tập thể trong trường học. Năm học qua, huyện đã kiểm tra 47/76 trường có tổ chức ăn bán trú. Qua kiểm tra cho thấy, 100% các trường thực hiện đúng quy định về ATTP, lựa chọn đơn vị cung ứng thực phẩm rõ nguồn gốc, rõ trách nhiệm giải trình về chất lượng thực phẩm. “Với những trường có bếp ăn, huyện đã yêu cầu hiệu trưởng các trường ký cam kết và chịu trách nhiệm. Nếu để xảy ra việc không đảm bảo ATTP hoặc có trường hợp ngộ độc, hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Đặc biệt, liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, Ban chỉ đạo huyện đề nghị các trường thường xuyên báo cáo đơn vị cung cấp sản phẩm. Qua đó, huyện có biện pháp quản lý, giám sát việc truy xuất nguồn gốc, đảm bảo ATTP trong trường học hiệu quả hơn” - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình cho hay.

Còn tại quận Hoàn Kiếm, năm học qua, quận đã kiểm tra 43 trường học. Hiện nay, quận đang tổ chức kiểm tra đột xuất 20 trường, trong đó có khối tư thục và nhóm trẻ trên địa bàn, đảm bảo 100% trường học có bếp ăn tập thể/căng tin được kiểm tra về ATTP. Tuyến phường đã kiểm tra 62/62 trường. Từ đầu năm đến nay, quận kiểm tra, giám sát 157/157 cơ sở quanh trường học, nhắc nhở 30 cơ sở, xử phạt 17 cơ sở với số tiền xử phạt là 19 triệu đồng. “Cơ sở có vi phạm về ATTP đều được công khai. Ngoài ra, phụ huynh học sinh cũng được tham gia vào việc phản ánh về phường nếu phát hiện bất cứ trường hợp nào hay chủ hàng quán nào có dấu hiệu vi phạm” - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong nói.

Tương tự, tại quận Thanh Xuân, năm học 2019 - 2020, quận có 242/242 bếp ăn tập thể và 9/9 căng tin trong trường học được thanh tra, kiểm tra. Trong đó, số cơ sở thanh tra là 99 bếp ăn tập thể. Quận đã xử lý vi phạm hành chính 25 bếp ăn tập thể, với số tiền phạt là 90 triệu đồng, trong đó, thanh tra, xử phạt 13 bếp ăn tập thể với số tiền 36 triệu đồng. Đặc biệt, quận đã triển khai mô hình nâng cao năng lực tự quản bếp ăn tập thể trường học. Đến nay, có 100% bếp ăn tập thể được cấp giấy chứng nhận ATTP, được kiểm tra, giám sát theo quy định và đều công khai nguồn gốc thực phẩm, thực đơn.

Siết chặt quản lý

Dù các quận, huyện đã có nhiều nỗ lực trong công tác ATTP nhưng vẫn còn những khó khăn, thách thức. Tại quận Thanh Xuân, có một số trường, bếp ăn diện tích hẹp nên bố trí quy trình chế biến một chiều còn hạn chế. Một số cơ sở gặp khó trong việc bố trí kho chứa sữa, bảo quản sữa do điều kiện cơ sở vật chất. Đây cũng là những tồn tại mà một số trường tại quận Hoàn Kiếm đang vấp phải. Một số cơ sở đang trong quá trình xây mới hoặc cải tạo lại nên diện tích bếp nhỏ, khó khăn trong việc sắp xếp cũng như trong công tác đảm bảo ATTP. Tình trạng này không chỉ xảy ra tại các quận mà còn tồn tại ở một số huyện ngoại thành.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, để thực hiện tốt hơn công tác đảm bảo ATTP tại bếp ăn tập thể trường học, 2 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của TP đã kiểm tra được 16 quận, huyện có bếp ăn bán trú. Sau 2 tuần ra quân đến nay cho thấy, các trường đều xuất trình đầy đủ hồ sơ, thủ tục pháp lý, nguồn gốc theo quy định. Nhân viên trực tiếp nấu bếp đều được khám sức khỏe và có kiến thức về ATTP. “Tuy nhiên, cơ sở vật chất ở một số quận, huyện chưa được đầu tư, nâng cấp, bếp ăn còn chật chội, người chế biến chưa chú trọng vệ sinh cá nhân. Chúng tôi đã nhắc nhở và đề nghị cơ sở phải chấn chỉnh ngay, tránh nguy cơ nhiễm vi sinh” - Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung lưu ý.

Theo ông Trần Văn Chung, trong năm học 2020 - 2021, Hà Nội có 4.553 bếp ăn tập thể trường học và căng tin. Do vậy, công tác đảm bảo ATTP phải được các trường tuân thủ nghiêm ngặt quy định về vệ sinh ATTP từ khâu nhập nguyên liệu, chế biến, nhân viên phục vụ cũng như chia suất ăn đến học sinh, không được tái diễn về sự cố mất ATTP. “Đối với thực phẩm vào trong bếp ăn, các cơ sở cần phải truy xuất nguồn gốc rõ ràng và bảo đảm. Vì vậy, ngoài kiểm tra các bếp ăn, đoàn liên ngành còn kiểm tra cơ sở cung cấp suất ăn. Thông qua đó, chúng tôi đề nghị Ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm của quận, huyện nhà trường cùng với ban phụ huynh phải tăng cường kiểm tra đầu vào, đặc biệt phải kiểm tra đột xuất các cơ sở cung cấp suất ăn. Những cơ sở nào không đảm bảo đề nghị Ban chỉ đạo ATTP của quận, huyện và các trường dứt khoát không sử dụng” - Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.
Qua kiểm tra ATTP bếp ăn trường học, chúng tôi nhận thấy, các lỗi vi phạm chủ yếu là nơi chế biến kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập. Ở một số cơ sở, người trực tiếp chế biến thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang, không thực hiện chế độ kiểm thực ba bước; không thực hiện lưu mẫu thức ăn. Cống rãnh thoát nước khu vực chế biến ứ đọng, không được che kín, dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy. 

Trưởng phòng Y tế quận Thanh Xuân Phạm Hồng Diệp