Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rủi ro từ cuộc đua công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc chạy đua trí tuệ nhân tạo (AI) giữa Mỹ và Trung Quốc dấy lên lo ngại về tính chính xác của thông tin và hệ quả xấu về mặt xã hội.

Meredith Whittaker, chủ tịch Tổ chức phi lợi nhuận Mỹ Signal Foundation. Nguồn: Nikkei Asia
Meredith Whittaker, chủ tịch Tổ chức phi lợi nhuận Mỹ Signal Foundation. Nguồn: Nikkei Asia

"Rất nhiều công ty công nghệ tự xem mình là công ty AI, tuy nhiên, đây là loại công nghệ mà chỉ một số ít được chính phủ cho phép kinh doanh và phát triển” – Nikkei Asia dẫn lời phỏng vấn của Meredith Whittaker - chủ tịch Signal Foundation.

Gần đây, AI nổi lên là một lĩnh vực có sự cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong đó, chính phủ Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống giám sát dựa trên AI với quy mô cả nước, đồng thời đặt mục tiêu đưa quốc gia này trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới vào năm 2030. Ngược lại, các doanh nghiệp và học giả Mỹ đang kêu gọi chính phủ rót tiền vào các dự án AI nhằm tránh việc hụt hơi so với Trung Quốc.

Bà Whittaker cho biết những tiến bộ mà AI đạt được trong thập kỷ qua dựa trên lượng dữ liệu khổng lồ và tiềm lực công nghệ thông tin hùng mạnh ở các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc.

Đề cập đến ChatGPT, bà lo ngại sự phổ biến của ứng dụng này khiến các ông lớn công nghệ Mỹ và Trung Quốc ồ ạt phát triển các phiên bản ChatGPT của riêng mình bất chấp rủi ro liên quan đến vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sai lệch hay thiếu minh bạch hệ thống thông tin.

Quả thật, những lo lắng này đang dần trở thành hiên thực khi các nhà lãnh đạo công ty công nghệ hàng đầu, trong đó có cả Elon Musk, cùng ký tên vào một bức thư vào tuần trước nhằm kêu gọi thế giới ngừng phát triển phiên bản thứ 4 của ChatGPT có tên GPT-4 trong ít nhất sáu tháng tới, vì rủi ro cho xã hội.

Tuy nhiên, không chỉ ChatGPT mà các lĩnh vực, phần mềm công nghệ khác cũng khiến bà Whittaker không khỏi lo ngại.

Bà cho biết: “Công nghệ AI là những công cụ được xây dựng bằng các nguồn lực tập trung và có thể được áp dụng triệt để nhằm giám sát, kiểm soát xã hội, tăng khả năng xử lý công việc một cách nhanh chóng mà không cần sử dụng nhiều nguồn nhân lực”.

Theo Whittaker, cuộc chạy đua công nghệ ngày càng quyết liệt hơn khi Mỹ tăng cường áp dụng các quy tắc nhằm kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực này, đặc biệt là những phần mềm công nghệ đến từ Trung Quốc.

Bà cho biết: "Việc một bên bất chấp mọi thủ đoạn nhằm tăng cường những ưu thế về công nghệ đã buộc bên kia phải can thiệp bằng nhiều quy định. Điều này có thể vô tình trở thành rào cản cho tiến bộ quốc gia".

Không chỉ vậy việc phát triển AI cũng gây ra mối đe dọa đối với môi trường. Khí hậu có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi việc sáng tạo và phát triển một phần mềm đòi hỏi cường độ tính toán rất cao như AI sẽ tiêu tốn một lượng điện năng máy tính và năng lượng khổng lồ.

Mặc dù chưa có tổng lượng carbon cụ thể mà việc sản xuất các hệ thống AI thải ra, nhưng Standford đã ước tính được lượng carbon từ việc phát triển ứng dụng Bloom - mô hình đa ngôn ngữ, truy cập mở lớn nhất thế giới - gấp 25 lần so với việc một hành khách có thể tạo ra khi bay từ New York đến San Francisco.

Tuy vậy, công nghệ AI cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc củng cố sức mạnh của một quốc gia, khu vực hoặc các công ty.

Đối với lĩnh vực quân sự, AI tỏ ra rất hữu dụng trong việc giám sát, trinh sát, hậu cần hay khả năng chỉ huy, kiểm soát. Theo trung tâm An ninh và Công nghệ tại Đại học Georgetown, trong những năm gần đây, quân đội Trung Quốc đã chi hơn 1,6 tỷ USD hàng năm cho các hệ thống hỗ trợ AI, còn Bộ Quốc phòng Mỹ có thể đã chi từ 800 triệu đến 1,3 tỷ USD.

Về đầu tư tư nhân cho AI, hiện Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới. Theo báo cáo Chỉ số Trí tuệ Nhân tạo năm 2023 do Đại học Stanford công bố hôm 3/4, đầu tư tư nhân đối với AI ở Mỹ đạt 47,4 tỷ USD vào năm 2022, so với con số 13,4 tỷ USD của Trung Quốc - quốc gia đang đứng ở vị trí thứ hai. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn dẫn đầu về các loại tư liệu nghiên cứu liên quan đến AI.

"Tôi không chống lại các công ty công nghệ hay chính phủ. Tuy nhiên, việc các công ty bất chấp những lợi ích trước mắt mà bỏ qua những tiêu chuẩn khác có thể dẫn đến những hệ quả xấu” - Bà Whittaker chia sẻ.