27ha rừng bị hại
Sáng 4/9, có mặt tại hiện trường, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều diện tích rừng thông bị sâu róm hại nặng. Nhiều ổ dịch sâu róm có mật độ dày đặc, ăn trụi lá non và lá bánh tẻ, đặc biệt, một số diện tích thông tại xã Nam Sơn bị hại nặng, trông cây như đã bị chết. Mật độ sâu phổ biến khoảng 300 - 400 con/cây, cục bộ 1.000 con/cây. Theo thống kê, diện tích rừng thông bị sâu hại hiện đã lên tới 27ha, tập trung chủ yếu ở 2 xã Nam Sơn và Phù Linh, và đang có nguy cơ tăng nhanh.
Theo bà Trần Thị Tuyết Năm - Phó Trưởng Phòng kỹ thuật, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, do thời tiết nóng ẩm kéo dài, sâu róm hại thông đang ở tuổi 2 - 3 phát sinh nhanh và gây hại trên diện rộng. Khảo sát thực tế cho thấy, diện tích thông bị sâu hại chủ yếu ở tuổi 5 - 6 được trồng từ 25 - 30 năm về trước (1 cấp tuổi = 5 năm). Sâu róm cũng có khả năng thích nghi và thường gây hại mạnh nhất trên nhóm cây thông Nhựa, và ít gây hại hơn trên hai nhóm thông khác là thông Caribevà thông Mã Vĩ.
Điều đáng nói là sâu róm thông rất độc. Theo kinh nghiệm của một số người dân thường xuyên đi rừng thì nếu giẫm phải hoặc bị những sợi lông của loại sâu róm này dính vào người thì rất nguy hiểm. Độc tố có trong lông sâu róm thông có thể gây ngộ độc, ngứa ngáy, phát ban. Việc chữa trị thường tốn nhiều kinh phí và trong thời gian dài, thậm chí có thể gây chết người.
Khẩn trương dập dịch
Trước tình hình dịch sâu róm diễn biến phức tạp, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị, cơ quan chuyên môn kịp thời có các biện pháp phòng trừ. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Giám đốc Trung tâm Phát triển lâm nghiệp Hà Nội cho biết, đây là dịch sâu róm hại thông lớn nhất trên địa bàn huyện Sóc Sơn kể từ năm 2003 trở lại đây. Ngay trong buổi sáng ngày 4/9, Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn gồm: Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, Hạt Kiểm lâm Sóc Sơn, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội và các trạm, các đội sản xuất trên địa bàn 2 xã Nam Sơn và Phù Linh để dập dịch. “Lực lượng đã tiến hành phun diệt trừ sâu róm lần 1 cho 27,5ha bằng thuốc trừ sâu sinh học Kuraba WP. Trong tuần tới sẽ tiếp tục phun lần 2 tại diện tích đã phun lần 1 và 18,3ha vùng phụ cận ổ dịch. Lần phun này có tác dụng diệt trừ tận gốc những tàn dư sâu bệnh (kén, trứng, sâu còn sót do không cùng trà, lứa)” – bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết thêm.
Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân địa phương cũng như du khách, trước khi tiến hành phun thuốc dập dịch sâu róm, Trung tâm đã dựng bảng khuyến cáo người dân không tới gần khu vực rừng thông có dịch. Đồng thời, phối hợp với UBND các xã tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh để người dân biết và chủ động phòng ngừa. Những diện tích rừng đã phun thuốc có thời gian cách ly tối thiểu là 10 ngày.
Thực tế cho thấy, việc diệt trừ sâu róm bằng phun thuốc sinh học có nhiều ưu điểm hơn nhiều so với phun thuốc nước truyền thống. Nếu như trước đây, việc phun thuốc nước khiến người dân tốn rất nhiều công sức để vận chuyển nước lên các đổi thông do để phun cho 1ha cần tới 400 - 600 lít nước, thì nay loại thuốc bột sinh học chỉ cần phối trộn với phụ gia là có thể phun trừ sâu róm hại thông rất hiệu quả. Phương pháp này cần sử dụng máy phun thuốc chuyên dụng nhưng loại máy này chỉ sản xuất ở Nhật Bản. Và hiện nay, Trung tâm Phát triển lâm nghiệp cũng mới chỉ được trang bị 3 máy. Do đó, để công tác phòng trừ sâu róm hại thông đạt hiệu quả, bà Hằng kiến nghị, TP quan tâm đầu tư, cấp kinh phí thường xuyên cho công tác điều tra, dự báo, phát hiện, điều trị sâu bệnh trên cây rừng nói chung và loài thông nói riêng.q
Phun thuốc trừ sâu róm trên đồi thông huyện Sóc Sơn. Ảnh: Lâm Nguyễn
|
Thuốc trừ sâu róm hại thông Kuraba WP là loại thuốc trừ sâu sinh học, có phổ tác động rộng, đặc biệt có hiệu lực cao với nhiều sâu hại đã kháng thuốc. Sau khi phun, sâu sẽ ngừng ăn sau 1 giờ nhiễm thuốc và chết sau 2 - 5 ngày phun. Đối với sâu róm hại thông nên phun thuốc Kuraba WP với liều lượng 2kg thuốc bột/ha, có kết hợp trộn với phụ gia (đất bột, trấu hoặc mùn cưa nghiền nhỏ, cám gạo,…) theo tỷ lệ 1:5. |