70 năm giải phóng Thủ đô

Rước họa vào thân vì tự ý dùng thuốc

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều người quan niệm, thuốc đông y, thảo dược an toàn, không có tác dụng phụ nên vô tư sử dụng theo “lời mách” của người quen hay theo thông tin quảng cáo trên mạng. Nhưng thực tế, không ít người đã phải nhập viện do việc tự ý sử dụng thuốc khiến tiền mất tật mang.

 Một ca điều trị sau khi dùng thần dược trị đái tháo đường. Ảnh: Nguyễn Thạnh
Suýt mất mạng vì chữa bệnh bằng thuốc chứa chất cấm

Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân 63 tuổi (ở Sóc Sơn, Hà Nội) mắc bệnh đái tháo đường 20 năm kèm tăng huyết áp. Thay vì dùng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân đã tự ý mua nhiều loại thuốc chữa bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp để dùng.

Sau khi dùng thuốc không rõ nguồn gốc để chữa bệnh, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, người yếu dần và được người nhà đưa vào BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 cấp cứu trong tình trạng vật vã, kích thích, kèm theo tụt huyết áp, suy thận, suy đa tạng.

Bệnh nhân vào cấp cứu, sau khi làm các xét nghiệm cho thấy có tình trạng toan chuyển hóa và toan lactic rất nặng, mạch yếu, có dấu hiệu ngừng tim… Bệnh nhân lập tức được đặt ống nội khí quản, truyền thuốc vận mạch, bù dịch và lọc máu. Sau nhiều ngày điều trị, may mắn bệnh nhân đã qua nguy kịch.

Theo người nhà, loại thuốc tiểu đường bệnh nhân uống là do nghe theo mách bảo có dạng viên tròn, nhìn như hạt đỗ, với 2 màu vàng và nâu.

Bác sĩ Nguyễn Viết Nam - Khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 cho biết: "Sau khi người nhà đưa các mẫu thuốc bệnh nhân đã uống cho chúng tôi. Chúng tôi đã gửi mẫu thuốc sang bên Viện Pháp y làm xét nghiệm, kết quả một loại thuốc có paracetamol, còn một loại có chất phenformin – một dược chất có trong thuốc điều trị tiểu đường đã bị cấm từ lâu. Chất phenformin gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như toan lactic rất nặng, suy thận. Điển hình như trường hợp bệnh nhân này, nếu vào viện chậm khoảng 5 phút thì có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng".

Theo bác sĩ Nam, phenformin là một dược chất có tác dụng hạ đường huyết. Thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc, tử vong sau khi dùng thuốc có dược chất này. Phenformin đã bị cấm sử dụng từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước ở nhiều nước. Tác dụng phụ nghiêm trọng nhất khi sử dụng thuốc có chứa phenformin là tình trạng toan lactic trầm trọng, có thể gây tử vong trên 50% số người bị ngộ độc. Ở nước ta không cho phép lưu hành dược chất phenformin, nhưng nhiều người vẫn bán dược chất này dưới dạng viên "thuốc thảo dược" không rõ hàm lượng. Loại thuốc này lại được quảng cáo là có thể điều trị khỏi dứt điểm bệnh tiểu đường nên nhiều người nhẹ dạ mua uống dẫn tới ngộ độc.

Tuyệt đối không nghe theo lời quảng cáo “có cánh”

Tương tự, BV Đa khoa Xanh Pôn vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 55 tuổi (ở tỉnh Bắc Giang) trong tình trạng cổ chân sưng to, đau nhức, đi lại khó khăn sau một thời gian sử dụng thuốc chữa gout trên mạng.

Theo TS Đỗ Đình Tùng - Phó Giám đốc BV Đa khoa Xanh Pôn, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa, tình trạng của bệnh nhân này nếu để lâu sẽ khiến khớp xương bị phá hủy. "Ngoài ra, loại thuốc của bệnh nhân sử dụng có chứa thành phần corticoid (nhóm thuốc chống viêm, giảm đau mạnh, chống dị ứng, ức chế miễn dịch) nếu dùng lâu ngày có thể gây nên những tác dụng phụ bất lợi như đái tháo đường, tăng huyết áp, loãng xương, thay đổi kiểu hình Cushing, suy tuyến vỏ thượng thận. Với trường hợp này, BV đã cho lịch hẹn ngày phẫu thuật để cắt bỏ khối sùi" - bác sĩ Tùng cho hay.

Từ những trường hợp của bệnh nhân trên, TS Đỗ Đình Tùng khuyến cáo, người dân khi có bệnh nên đi khám ở các cơ sở có uy tín, điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Nếu sử dụng thuốc đông y phải có nguồn gốc, được kiểm định rõ ràng vì thực tế, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều bằng chứng về việc không ít thuốc đông y trôi nổi trên thị trường được trộn thành phần có thuốc tây, khi dùng lâu ngày có thể gây tác dụng phụ bất lợi.

Gout là bệnh do rối loạn chuyển hóa nhân purin trong thận, khiến thận không thể lọc axit uric từ trong máu. Với người bị bệnh gout, lượng axit uric trong máu được tích tụ qua thời gian. Khi nồng độ này quá cao, những tinh thể nhỏ của axit uric được hình thành và tập trung lại ở khớp, gây viêm, sưng và đau đớn cho bệnh nhân.

"Bệnh gout có thể làm cho người bệnh căng thẳng, đau đớn và mất ngủ nhưng gout có thể khống chế bằng thuốc cũng như phòng ngừa đợt cấp bằng việc thay đổi chế độ ăn. Để phòng bệnh gout, người dân cần tập thể dục hằng ngày, duy trì cân nặng hợp lý. Đặc biệt, mỗi người cần duy trì chế độ ăn uống hợp lý, tránh ăn nội tạng, hải sản và thịt đỏ… Không uống cà phê, trà, nước uống có ga, đồ uống có cồn” - bác sĩ Tùng lưu ý.

Còn theo các bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2, bệnh tiểu đường là bệnh mạn tính cần điều trị lâu dài và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hàng ngày. Người bệnh cần uống thuốc đều đặn mỗi ngày. Đến nay, chưa có một loại thuốc giúp điều trị khỏi dứt điểm bệnh tiểu đường sau chỉ một vài đợt điều trị. Người bệnh tuyệt đối không nghe theo lời quảng cáo “có cánh” về những phương thuốc "bí truyền" có thể chữa khỏi dứt điểm bệnh này mà dẫn đến “tiền mất tật mang”.