Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ruộng đất làng Việt xưa

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ruộng đất là vấn đề hàng đầu của làng xã xưa và nay. Làng Việt từ thuở mới hình thành chỉ có đất công, đất công của làng, tiến tới đến công của vua rồi dần dần tiến tới có đất tư.

Mỗi triều đại chế độ đất đai mỗi khác, nhưng tất cả đều ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và sự thịnh suy của làng, của nước.

Ruộng đất công từ thuở Văn Lang - Âu Lạc

Cho đến nay vẫn còn quá ít ỏi tài liệu, chứng cứ về chế độ ruộng đất thời Văn Lang, Âu Lạc và 1.000 năm Bắc thuộc. Tuy nhiên, quy chiếu theo các tính chất chung của hình thái công xã Phương Đông, có thể hình dung, lúc sơ khai thì làng Việt cũng chỉ có một số hộ gia đình tụ cư trong một địa bàn nhỏ hẹp.

Buổi cày ruộng ở Nam Bộ xưa.
Buổi cày ruộng ở Nam Bộ xưa.

Lúc này, toàn bộ ruộng đất khai hoang được cùng với tài nguyên tự nhiên trong phạm vi làng đều là của chung. Ruộng đất của làng được phân chia cho các gia đình sử dụng theo các tục lệ do họ định ra một cách bình đẳng, dân chủ.

Ruộng đất này có thể chia cố định hoặc cũng có thể chia lại khi nhân khẩu gia tăng hoặc khai phá thêm được diện tích. Ngoài ruộng đất chia cho các thành viên, làng có thể giữ lại một phần để sử dụng chung cho cả làng.

Trải mấy ngàn năm như thế, ruộng đất công đã gắn kết người dân làng với nhau từ làm ăn đến sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tạo nên tinh thần công xã, truyền thống làng xóm mạnh mẽ và bền chặt của người Việt, làng Việt. Chắc chắn vì thế mà người Việt đã vượt qua được âm mưu đồng hóa trong suốt ngàn năm Bắc thuộc của phong kiến Trung Quốc.

Năm 906, KhúcThừa Dụ chiếm thành và tự xưng Tiết độ sứ. Chính quyền tự chủ họ Khúc đã lần đầu tiên xác lập quyền sở hữu trên danh nghĩa của Nhà nước đối với ruộng đất công xã. Tuy nhiên, ruộng đất vẫn do dân làng quản lý và sử dụng. Tiếp đến các triều Ngô, Đinh, (tiền) Lê, chính sách ruộng đất vẫn không có gì thay đổi. Ruộng đất vẫn là tài sản công của làng, mặc cho triều đình tuyên bố là của nhà vua.

Đến ruộng đất tư và chế độ đa sở hữu ruộng đất

Ruộng đất tư bắt đầu có từ thời Lý Trần. Chứng cứ là thời Lý, việc mua bán ruộng đất đã được phản ánh qua các các luật lệnh của triều đình. Năm 1135, Lý Thần Tông ra lệnh “những người đã bán ruộng ao không được gấp bội tiền để chuộc lại, kẻ nào làm trái thì bị tội”.

Ruộng đất tư thời Lý Trần bao gồm ruộng của nông dân tự canh, ruộng của địa chủ tư hữu và cả một phần điền trang thái ấp của quý tộc quan lại hay nhà chùa.

Đồng thời, lúc này vẫn tiếp tục tồn tại ruộng đất công gồm ruộng quốc khố, ruộng công của làng xã và một phần điền trang thái ấp của quý tộc, quan lại, nhà chùa.

Nhà nước nắm quyền sở hữu tối cao về ruộng đất; nhà vua có thể lấy ruộng công để phong cấp quan lại, quý tộc, cho nhà chùa và lấy ruộng đất đã cấp cho người này đem cấp cho người khác. Đất ruộng được cấp một phần trở thành ruộng đất tư nhưng một phần vẫn là đất công.

Phật giáo thời Lý Trần là quốc giáo. Chùa chiền được xây dựng rất nhiều và sự tập trung ruộng đất cũng rất lớn. “Ruộng chùa” là dạng sở hữu đặc biệt của làng Việt thời Lý Trần và vẫn tồn tại lâu dài về sau. Ruộng chùa có thể là do nhà vua cấp từ công điền, cũng có thể do các hoàng thân, quý tộc hoặc nhà giàu hảo tâm cúng hiến. Ruộng chùa có thể là đất tư nhưng cũng có thể vẫn là đất công.

Đến thời Lý Trần, các hình thức sở hữu ruộng đất trong làng Việt đã cơ bản định hình. Trong mỗi làng không chỉ có đất công của làng, đất công của nhà nước mà còn có đất tư và đất chùa.

Lúc này, làng vẫn giữ được quyền sở hữu đối với ruộng đất công của mình; vẫn định kỳ phân chia ruộng đất cho dân làng theo tục lệ và chịu trách nhiệm thu thuế để nộp nhà nước.

Nhưng sang thời nhà Lê Sơ (thế kỷ XV) thì tình hình ruộng đất của làng Việt đã có nhiều thay đổi. Chế độ quân điền đã xác lập quyền sở hữu của nhà nước trung ương đối với ruộng đất công của làng, tấn công vào quyền tự trị của làng. Mọi người trong làng từ quan viên đến các hạng cô quả, tàn tật, vợ con phạm nhân đều được chia ruộng đất công của làng nhưng có sự chênh lệch rất lớn tùy theo phẩm tước và thứ hạng xã hội.

Quan viên hào lý không những được cấp nhiều mà còn được cấp ruộng tốt. Những làng nào có ruộng đất công nhiều thì phải chia bớt cho làng khác thiếu ruộng. Người cày ruộng khẩu phần đều phải nộp tô cho nhà nước nhưng quan viên từ tứ phẩm trở lên thì được miễn.

Các làng phải tuân theo những quy định phân chia ruộng đất và phân loại hưởng thụ của nhà nước, không còn công bằng như tục lệ làng xưa. Chế độ quân điền tuy tạo điều kiện làm ăn cho nông dân nghèo nhưng cũng làm sâu sắc thêm phân hóa xã hội, phân biệt đẳng cấp, trói buộc thêm người nông dân với làng nên nhanh chóng trở thành gánh nặng của người dân.

Từ thế kỷ XV trở về sau, giai cấp địa chủ phát triển đã tìm mọi cách lấn chiếm ruộng đất công và ruộng đất của những tiểu nông tư hữu. Cho đến tk XVII - XVIII, trong các làng ở Đàng Ngoài, chế độ công hữu ngày càng suy giảm và chịu sự chi phối của tầng lớp cường hào, địa chủ. Số ruộng đất công của làng còn lại rất ít, nhiều nơi không còn để chia cho dân nữa nhưng nhà nước vẫn cố nắm lấy và chi phối nó. Cùng với chế độ thuế khóa nặng nề, thiên tai, mất mùa, đói kém đã khiến hàng loạt nông dân phải bỏ làng lưu tán. Nhiều làng ở Bắc Bộ trở nên hoang vắng, tiêu điều, đứng trước nguy cơ tan rã.

Các thế kỷ XVI, XVII và đầu thế kỷ XVIII, ở Đàng Trong, cùng với quá trình di cư của người Việt, nhiều làng mới ra đời, phát triển ổn định. Nhưng từ nửa cuối thế kỷ XVIII về sau, tình trạng chiếm đoạt, tập trung ruộng đất của giai cấp địa chủ diễn ra càng nghiêm trọng, nhất là ở vùng Thuận - Quảng, đã dẫn đến khởi nghĩa nông dân bùng phát.

Anh em nhà Tây Sơn lên nắm quyền nhưng đã sớm chia rẽ. Vua Quang Trung mặc dù ra Chiếu khuyến nông nhưng chưa có những chính sách lớn nhằm làm thay đổi chế độ ruộng đất đương thời. Ruộng đất công làng xã vẫn được duy trì nhưng chỉ một số để lại cho dân đinh chia nhau cày cấy, còn lại Nhà nước lấy để cấp cho các quan lại làm ruộng ngụ lộc và cho quân sĩ làm ruộng lương.

Ở vùng lãnh thổ của Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ thì tình hình bi đát hơn. Nông dân vẫn không có ruộng. Làng mạc vẫn tiêu điều. Đó là thời cơ cho Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn.

Dưới triều Nguyễn, ruộng đất công làng xã càng bị thu hẹp bởi chế độ quân điền thời Gia Long quy định chia cấp công điền cho toàn bộ hệ thống quan lại văn, võ và binh lính. Trong khi đó, chế độ cấp lương điền cho lính cũng lấy từ ruộng đất công của làng xã.

Lúc này, toàn bộ diện tích ruộng đất cả nước là 3.396.585 mẫu nhưng ruộng công, ruộng quan, ruộng muối chỉ có 580.363 mẫu, chiếm 17,08%. Hầu hết ruộng đất công trong làng xã đều thuộc sở hữu của nhà nước và đều đang phân hóa rất mạnh để dần biến thành ruộng đất tư. Chỉ còn một ít ruộng đất công thuộc sở hữu của làng là các loại ruộng đất thần từ, phật tự, ruộng hậu đình, ruộng tế, ruộng hương lão... Hầu như không còn đất công của làng để chia cho dân nữa.

Không phủ nhận mặt tiến bộ của quá trình tư hữu hóa ruộng đất, nhưng nhà Nguyễn nhân danh chủ sở hữu tối cao đất đai toàn quốc, lại ban hành chính sách quân điền nhằm duy trì cơ sở kinh tế phục vụ cho tập đoàn phong kiến quan liêu, đẩy người nông dân vào bần cùng hóa, tấn công mạnh mẽ vào kết cấu kinh tế làng lại là một sai lầm.

Vào những năm 1930 -1931, ruộng đất công ở Bắc Bộ chỉ còn lại 20% diện tích, ở Trung Kỳ là 25%, ở Nam Kỳ chỉ còn 3%. Đến năm 1945, ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ có 50% số hộ nông dân và ở Nam Kỳ có 75% số hộ nông dân không có đất canh tác.

Ở làng Việt xưa còn có ruộng tư chuyển thành ruộng công khi các gia đình quan lại, địa chủ đã chuyển quyền sở hữu cho làng, cho phe giáp, phường hội. Họ Nguyễn Đức ở Hà Tĩnh (thời Tự Đức) đã hiến cho làng hơn 20 mẫu ruộng. Lại có "ruộng hậu" là ruộng do gia chủ chuyển cho làng để sau khi chết được dân làng thờ. Thôn Đặng Giang thuộc Hà Tây cũ, có 400 mẫu ruộng công, chiếm gần 2/3 tổng diện tích mà phần lớn có nguồn gốc là ruộng hậu.

 

Ruộng đất là “đầu câu chuyện” của làng Việt từ xưa đến nay. Hàng ngàn năm nay việc sở hữu ruộng đất của làng bao giờ cũng là việc lớn vì nó ảnh hưởng đến sinh kế của người dân và sự ổn định, phát triển của làng, của nước.