Rượu độc vẫn còn

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 2 tháng kiểm tra, truy quét quyết liệt rượu không rõ nguồn gốc, không nhãn mác tại Hà Nội (700 đoàn kiểm tra liên ngành của TP, kiểm tra 5.420 cơ sở, xử phạt hành chính 733 cơ sở, thu hồi 55.000 lít rượu không rõ nguồn gốc), tưởng rằng các vụ ngộ độc do rượu đã lắng xuống nhưng cuối tuần qua, lại thêm 2 trường hợp tại 2 quận Ba Đình và Đống Đa phải vào Khoa chống độc Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu vì uống phải rượu độc, chứa methanol.

Thì ra, sau rất nhiều cố gắng, rượu độc vẫn nguyên đó, cuộc chiến với rượu độc là lâu dài và hết sức gian khổ, không thể hớt trên ngọn.
 Ảnh minh họa
Methanol là dạng đơn giản nhất của alcohol, có liên hệ rất gần với ethanol (một dạng alcohol thường có trong bia, rượu) và rượu tự nấu, nhưng độc hơn rất nhiều methanol hình thành một lượng rất nhỏ trong quá trình lên men, làm rượu từ những sản phẩm thực vật như nước ép trái cây, ngũ cốc… Nó thường xuất hiện một lượng nhỏ trong rượu bia nhưng không đủ để gây ngộ độc. Tuy nhiên, các loại rượu mạnh chưng cất tại nhà có nồng độ cao cả ethanol và methanol.
Rượu công nghiệp thường an toàn vì nhà máy dùng công nghệ đặc biệt để tách methanol khỏi ethanol. Nhưng rượu tự làm thường không được dùng công nghệ ấy, và hầu như không có phương cách an toàn nào để tách methanol khỏi ethanol.
Thông thường khi uống rượu methanol có thể có các triệu chứng nhẹ trong vòng chừng một tiếng sau khi uống như nôn mửa, đau dạ dày, tương tự như ngộ độc rượu.
Sau chừng 12 - 24 tiếng, các triệu chứng rõ ràng hơn xuất hiện như đau đầu, chóng mặt, choáng váng, mắt mờ (nếu mắt đã mờ đến mức khó có thể nhìn vào ánh sáng chói, đây đã là lúc nguy hiểm cần cấp cứu gấp). Sau 12 - 24 giờ là khoảng thời gian thường người uống rượu đã đi ngủ, bỏ mặc các dấu hiệu này và chẩn đoán bệnh chậm trễ. Tại bệnh viện, bác sĩ có thể chữa ngộ độc methanol bằng ethanol ngăn chặn quá trình hình thành axit formic. Họ cũng có thể sử dụng các loại thuốc như fomepizole ức chế methanol chuyển thành các độc chất vào cơ thể, hemodialysis làm sạch methanol trong máu…
Theo thống kê, Việt Nam là nước tiêu thụ rượu tính theo tỷ lệ đầu người cao hàng đầu thế giới (700 triệu lít rượu trong đó 200 triệu lít rượu tự nấu). Đặc biệt, uống rượu tự nấu thủ công đã trở thành một tập quán và thói quen của nhiều người. Ở Hà Nội, có hàng vạn nhà hàng, khách sạn và hàng nước, hàng nào cũng có rượu tự nấu, không nhãn mác, không nguồn gốc.
Để kiểm soát nguồn gốc, chất lượng rượu, nhất là rượu nấu thủ công, từ năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94 về sản xuất, kinh doanh rượu. Theo đó, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh đều phải có giấy phép sản xuất, sản phẩm phải có nhãn mác, đăng ký kinh doanh tại địa phương. Tuy nhiên sau 4 năm, hầu hết các địa phương đều không thực hiện quy định này.
Kết quả xét nghiệm của Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia công bố cho thấy có 3 mẫu rượu do Chi cục ATVSTP tỉnh Lai Châu lấy tại vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có kết quả kiểm nghiệm hàm lượng methanol vượt ngưỡng. Cụ thể, mẫu cao nhất là 556.000 mg/l cồn 100 độ, kế đó là 475.000 mg/l và thấp nhất là 970 mg/l cồn 100 độ. Còn tại Hà Nội, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai vừa qua đã cấp cứu một vụ điển hình là 12 sinh viên ở quận Cầu Giấy đã nhập viện vì ngộ độc rượu.
Rượu là một loại thức uống đặc biệt, yêu cầu có độ tinh khiết cao, vì thế phải tuân thủ quy định chưng cất đặc biệt, thế nhưng lâu nay từ nông thôn đến thành thị, hầu hết đều bị bỏ qua. Có một thực tế đó là cơ chế xử phạt người nấu rượu kém chất lượng chỉ bị xử phạt hành chính, nhưng những hậu quả mà nó gây ra lại là tính mạng con người.
Vì vậy bên cạnh sự quyết liệt của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, kiểm tra, đảm bảo chất lượng rượu, quan trọng hơn người dân cần nâng cao nhận thức trong công tác chấp hành các quy định về sản xuất, buôn bán và thói quen sử dụng rượu an toàn.