Trong tham luận gửi đến cuộc góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) tiếp cận dưới góc độ quyền của lao động nữ do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức vừa qua, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất (KCN&CX) Hà Nội Ngô Thị Liên cho biết, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đưa ra 2 phương án rút BHXH một lần: Phương án một, chỉ nhóm tham gia trước khi Luật có hiệu lực (trước 1/7/2025) mới được rút. Nhóm đóng sau thời điểm này không được rút, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Phương án hai, không phân biệt thời gian đóng, tất cả lao động đóng dưới 20 năm, sau một năm không tham gia hệ thống đều được rút nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất. Số năm còn lại được bảo lưu hưởng chế độ.
Thông tin này lập tức đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, và gây tác động lớn đến công nhân lao động làm việc tại các doanh nghiệp. Các ý kiến cho rằng, sẽ không ai muốn rút BHXH một lần nếu như việc để lại có lợi cho họ. Đó là điều mà Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) chưa nêu ra được…
Qua khảo sát ngẫu nhiên tại KCNCX Hà Nội tại 30 doanh nghiệp cho thấy, có 5 doanh nghiệp có hiện tượng rút (BHXH một lần ghi nhận 1-2 trường hợp; có 10 doanh nghiệp có hiện tượng rút BHXH một lần ghi nhận 3-5 trường hợp; có 3 doanh nghiệp có hiện tượng rút BHXH một lần ghi nhận 6-9 trường hợp; có 1 doanh nghiệp có hiện tượng rút BHXH một lần ghi nhận 10-15 trường hợp.
Theo Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN&CX Hà Nội, nguyên nhân khiến người lao động rút BHXH một lần do một số công nhân phản ánh, họ nghe thông tin nếu đóng quá 19 năm sẽ không được rút BHXH một lần nữa.
Bên cạnh đó, một số người lao động khác cho rằng tuổi hưu đủ 60 tuổi của nữ và đủ 62 tuổi đối với nam là quá dài. Họ không thể làm việc và đóng BHXH đến tuổi này. Do từ 45 tuổi trở đi, sức khỏe của họ giảm dần, độ linh hoạt và khả năng hoàn thành công việc, sản lượng sản phẩm được doanh nghiệp giao rất hạn chế nên đa phần đã rời thị trường lao động công nghiệp, không tham gia tiếp tục BHXH được nữa nên nhu cầu hưởng BHXH một lần là tất nhiên...
Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN&CX Hà Nội cho rằng, việc rút BHXH một lần có nhiều hệ lụy. Đối với cá nhân công nhân, do rút BHXH một lần nên người lao động không tiếp tục đi làm đóng bảo hiểm, đồng nghĩa với việc đối mặt với tình trạng thất nghiệp, ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình và thị trường lao động.
Với một số lao động nữ khi rút BHXH một lần có thể dễ nảy sinh tâm lý “ở nhà nội trợ chăm sóc gia đình”. Điều này sẽ làm tăng gánh nặng kinh tế cho người chồng; bản thân người phụ nữ có thể đối mặt với nhiều căng thẳng, stress khi không đi làm, gây tác động tiêu cực đến xã hội.
Ngoài ra, người lao động xin nghỉ việc để hưởng BHXH một lần khiến doanh nghiệp lo lắng sẽ biến động lao động, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong tuyển lao động mới. Việc rút BHXH một lần khiến mạng lưới an sinh khó có thể mở rộng nhanh.
Từ thực tế trên, lãnh đạo Công đoàn KCN&CX Hà Nội kiến nghị, Công đoàn các cấp cần làm tốt công tác tuyên truyền vận động đoàn viên, công nhân viên chức lao động cố gắng an tâm làm việc, ổn định lâu dài để đảm bảo thu nhập; tập trung nắm chắc tình hình tư tưởng đoàn viên, công nhân lao động, kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh trong quan hệ lao động...
Đặc biệt về góc độ chính sách, Cơ quan BHXH cần dung hòa lợi ích giữa chính sách và nguyện vọng của người lao động để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, cần có quy định tăng chế độ chính sách của BHXH nhằm giữ người lao động tham gia thay vì hạn chế quyền rút của người lao động.
Còn tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị dự thảo luật nên quy định đảo phương án 2 thành phương án 1 bởi mục tiêu của chính sách BHXH là để bảo đảm an sinh xã hội cho người dân dựa trên quyền con người theo quy định của hiến pháp, cần thiết phải tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức vì một xã hội tốt đẹp, BHXH bao phủ toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Cùng với đó, cần quy định giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm, thậm chí 10 năm được hưởng lương hưu là phù hợp. Việc giảm thời gian đóng không dành cho lao động trẻ mà chủ yếu là tạo cơ hội cho người cao tuổi (như nam 45 và nữ 47) và những người thay đổi phương thức làm việc, luân chuyển, hoặc làm việc gián đọan có cơ hội tham gia vào hệ thống BHXH để có lương hưu khi về già.
Tuy nhiên, Dự thảo Luật cần tính đến mức đóng và mức hưởng. Nếu như quy định trong dự thảo thì mức hưởng sẽ thấp hơn mức sống tối thiểu dẫn đến sức hấp dẫn thấp. Đồng thời, cần có quy định cụ thể để người lao động thấy được tham gia BHXH là có thu nhập bảo đảm mức sống tối thiểu.
Đại diện Công đoàn ngành giáo dục cho biết, theo Dự thảo Luật mới nhất ngày 13/3/2024 thì chỉ có loại hình BHXH bắt buộc đang được cân nhắc với 2 phương án kể trên, trong khi với BHXH tự nguyện, Dự thảo lại đề xuất thực hiện theo phương án 1. Vị đại diện này đề xuất cần quy định thống nhất về phương án giải quyết BHXH một lần đối với trường hợp người lao động tham gia BHXH sau 12 tháng không đóng BHXH và chưa đủ 20 năm đóng BHXH cho cả loại hình BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.
Bên cạnh đó, phương án 2 là phương án có tính khả thi hơn, mềm dẻo, linh hoạt hơn và hạn chế được những phản ứng tiêu cực từ xã hội, phù hợp với quan điểm của Đảng theo nghị quyết số 28/NQ/TW đã đề ra.