Thưa bà, chương trình Ngày hội việc làm hòa nhập NKT đi qua “3 mùa” hẳn đã tạo được nhiều cơ hội cho NKT?
- Qua thực tế hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên Hà Nội, tôi thấy rằng NKT là đối tượng có nhu cầu học nghề, tiếp cận với thông tin thị trường lao động và được giới thiệu việc làm cao và cũng khó khăn nhất. Chính vì thế, từ năm 2012 – 2013, Trung tâm đã phối hợp với các ngành, đoàn thể tiến hành hoạt động ngày hội việc làm cho NKT vào tháng 4 hàng năm, vừa thiết thực kỷ niệm Ngày NKT Việt Nam - 18/4, nhưng cũng tạo một sân chơi giúp NKT hòa nhập với cộng đồng. Đến nay, chương trình đã thu hút gần 100 đơn vị đăng ký tham gia với số lượng trên 800 người tham dự, trong đó có khoảng 180 – 200 NKT đăng ký học nghề và tìm việc làm. Bên cạnh đó, cũng giúp các DN, cơ sở dạy nghề được tiếp cận, hỗ trợ và tiếp nhận NKT.
Thanh niên khuyết tật là đối tượng đặc biệt, vì thế việc hỗ trợ sẽ gặp những khó khăn nhất định, thưa bà?
- Ở các nước phương Tây, họ quan tâm đến NKT, khuyến khích, động viên, rồi thành lập các quỹ phúc lợi… từ khá lâu, nhưng tại Việt Nam mới xuất hiện trong những năm gần đây thông qua các kênh đào tạo, dạy nghề miễn phí. Tuy nhiên, sau đào tạo, làm sao để thanh niên khuyết tật có thể độc lập kiếm sống vẫn đang là một bài toán khó đối với trung tâm và cộng đồng xã hội. Hiện nay, chỉ khoảng 10% học viên sau khi ra trường có thể tự tìm việc và có việc làm, số còn lại vẫn phụ thuộc rất nhiều vào sự trợ giúp của người thân và đồng nghiệp. Nguyên nhân là do tâm lý tự ti và quen được sự bao bọc của gia đình nên khi làm việc, khả năng độc lập còn nhiều hạn chế.
Qua 3 năm hỗ trợ việc làm cho NKT, cá nhân bà thấy có điều gì cần lưu ý để NKT tiếp cận cơ hội việc làm tốt hơn?
- Sau mỗi lần tổ chức hoạt động, ban tổ chức cũng rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Chúng tôi nhận thấy, người bình thường tìm việc đã khó, NKT lại càng khó khăn hơn. Mặc dù, NKT thuộc đối tượng được nhận ưu tiên nhưng trong sản xuất, kinh doanh điều này là không thể. Do vậy, ban tổ chức quyết định khuyến khích NKT tích cực tạo ra sản phẩm và mang đến bày bán tại ngày hội, bằng cách đó, có thể giúp họ bớt tự ti và sớm hòa nhập cuộc sống. Và cũng qua đó, người sử dụng lao động sẽ thấy được ở họ những kỹ năng, khả năng phù hợp với đơn vị của mình, sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp nhận. Nhưng tôi nghĩ, quan trọng nhất là cần hỗ trợ để nâng cao chất lượng đào tạo cho NKT, rút ngắn khoảng cách, thậm chí bằng với kỹ năng nghề của người bình thường. Đó là điều vô cùng cần thiết để NKT có thể tự tìm được việc làm.
Với ngày hội năm nay, Ban tổ chức đã có những chuẩn bị gì để hỗ trợ tốt nhất cho NKT, thưa bà?
- Qua rút kinh nghiệm từ các năm trước, năm nay ban tổ chức đã nghiên cứu và thêm vào nhiều chương trình đặc biệt. Thứ nhất, kêu gọi sự hỗ trợ từ các bệnh viện trên địa bàn TP bằng những phần quà như xe lăn, xe đạp, chăn màn, đồ dùng thiết yếu trong cuộc sống. Sau nữa là tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho tất cả các đối tượng, giúp NKT có cơ hội hòa nhập với cuộc sống. Tiếp theo là duy trì các tọa đàm với sự tham gia của các tổ chức nước ngoài có kinh nghiệm xây dựng những chương trình đào tạo chuyên nghiệp cho từng nhóm đối tượng NKT. Cùng với đó, tổ chức tư vấn và khám miễn phí cho NKT…
Xin cảm ơn bà!
Người khuyết tật tiếp cận các khóa đào tạo công nghệ thông tin. Ảnh: Phạm Phương
|