Rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, bầu cử nhiệm kỳ mới vào ngày 15/3/2026
Kinhtedothi- Quốc hội khóa XV đã quyết nghị ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 là Chủ nhật, ngày 15/3/2026.
Sáng 21/5, tại Kỳ họp thứ 9, với 100% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

Quang cảnh phiên làm việc sáng 21/5 tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn
Nghị quyết quy định rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đồng thời, quy định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 là Chủ nhật, ngày 15/3/2026.
Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XVI được triệu tập chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày bầu cử. Kỳ họp thứ nhất của HĐND nhiệm kỳ 2026-2031 được triệu tập chậm nhất là 45 ngày, kể từ ngày bầu cử.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND, đại biểu HĐND, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Điều 71 Hiến pháp quy định nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là 5 năm. Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Điều 2 Luật Tổ chức Quốc hội quy định: Nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là 5 năm, kể từ ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa đó đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa sau. Luật cũng nêu rõ Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Điều 5 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: Nhiệm kỳ của mỗi khóa HĐND là 5 năm kể từ ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của HĐND khóa đó đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của HĐND khóa sau... Việc rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của HĐND do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Quốc hội khóa XV và HĐND cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được bầu cử vào ngày Chủ nhật 23/5/2021; Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội được khai mạc ngày 20/7/2021 và HĐND các cấp cũng được khai mạc vào khoảng thời gian này.
Theo các quy định của pháp luật nêu trên thì dự kiến đến ngày 20/7/2026 Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ kết thúc nhiệm kỳ và chậm nhất là ngày 24/5/2026 Quốc hội khóa XVI, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 phải được bầu xong.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, căn cứ chủ trương của Đảng và yêu cầu thực tiễn cho thấy, cần rút ngắn khoảng thời gian giữa Đại hội Đảng toàn quốc và kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, HĐND khóa mới để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao. Cùng với đó thực hiện việc phân công cấp ủy viên khóa mới đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, ổn định liên tục, liên thông đội ngũ cán bộ chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Đồng thời, cấp ủy các cấp nhiệm kỳ mới kịp thời triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và Đại hội Đảng các cấp.
Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, pháp luật, để thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, sau khi cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 dự kiến sẽ được tổ chức vào Chủ nhật, ngày 15/3/2026 là phù hợp với các yêu cầu về thực tiễn.
Do vậy, việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cần thiết. Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được rút ngắn 3 tháng, kết thúc vào đầu tháng 4/2026 (thay vì tháng 7/2026.
Đại biểu Quốc hội ủng hộ quy định không có kiểm sát viên suốt đời
Kinhtedothi - Tham gia thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND), các đại biểu dành nhiều thời gian góp ý về các quy định liên quan đến số lượng kiểm sát viên, nâng ngạch kiểm sát viên, nhiệm kỳ của kiểm sát viên...

Đại biểu Quốc hội: hiện là “thời điểm vàng” cho kinh tế tư nhân phát triển
Kinhtedothi- Ngày 20/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Dự Luật tập trung rà soát, hoàn thiện các nội dung để xử lý các vướng mắc, bất cập các quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành.

Đại biểu Quốc hội: bỏ án tử hình, áp dụng chung thân "mở ra cơ hội sửa sai"
Kinhtedothi - Thảo luận tại tổ chiều 20/5, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần truyền thông minh bạch, nhất quán, giúp Nhân dân hiểu rõ rằng: bỏ án tử hình không phải là khoan dung với tội phạm, mà là lựa chọn pháp lý phù hợp hơn với quyền con người và cam kết cải cách tư pháp. Áp dụng chung thân mở ra cơ hội sửa sai và bảo vệ nguyên tắc công lý.