Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rút tiền bảo hiểm xã hội 1 lần thay vì hưởng lương hưu: nên hay không? 

Trần Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc người lao động (NLĐ) ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) là thực trạng đáng quan tâm. Bởi, nhận BHXH một lần chỉ có thể giải quyết nhu cầu kinh tế trước mắt, nhưng về lâu dài, sẽ rất thiệt thòi cho NLĐ khi hết tuổi lao động.

Khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của NLĐ sẽ bị hạn chế hơn so với khi hưởng lương hưu, như:

Thứ nhất, nếu nhận BHXH một lần, sau này tham gia lại BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đóng BHXH, mà tính thành thời gian đóng BHXH mới. Như vậy NLĐ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có thu nhập để đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động hoặc nếu khi nghỉ hưu vẫn đủ thời gian được hưởng lương hưu thì do thời gian đóng BHXH ít nên số tiền lương hưu sẽ thấp, mất nguồn tài chính hỗ trợ và ổn định cuộc sống lâu dài khi bị suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động.

Việc rút BHXH một lần khiến người lao động mất đi cơ hội thụ hưởng nhiều chính sách an sinh xã hội khi về già
Việc rút BHXH một lần khiến người lao động mất đi cơ hội thụ hưởng nhiều chính sách an sinh xã hội khi về già

Thứ hai, trong toàn bộ thời gian hưởng lương hưu (độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe nhất của mỗi người), NLĐ được quỹ BHXH trả kinh phí để cấp thẻ BHYT miễn phí (người nghỉ hưu có lương hưu không phải tự mua thẻ BHYT) và được hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh BHYT. Khi người hưởng lương hưu không may qua đời thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người hưởng lương hưu chết và thân nhân được hưởng trợ cấp tử tuất hàng tháng hoặc một lần.

Thứ ba, khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là một của để dành quý giá của chính mình, nó không mất đi mà ngược lại vẫn được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng, người tham gia có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ đóng của Nhà nước. Trong thời gian bảo lưu, nếu chẳng may bị chết thì gia đình được hưởng trợ cấp mai táng phí, thân nhân được hưởng trợ cấp tuất theo quy định.

Thứ tư, việc nhận BHXH một lần là phải chấp nhận sự thiệt thòi rất lớn khi với 22% mức tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì một năm tổng mức đóng là 2,64 tháng lương. Trong khi mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Thứ năm, người tham gia BHXH, khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế.

Như vậy, khi NLĐ nhận BHXH một lần, sẽ thiệt thòi khi chưa đến tuổi nghỉ hưu đã tiêu hết tiền dưỡng già. Để đến khi về già, không được hưởng hưu trí, họ phải phụ thuộc vào con, cháu và xã hội; nếu không may bị bệnh, không có thẻ BHYT, họ còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chi phí KCB chỉ sau một lần mắc bệnh và nằm viện thời gian dài, từ đó phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ, trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội.

Do vậy, trước khi quyết định hưởng BHXH một lần người lao động hãy cân nhắc nghĩ đến các quyền lợi được hưởng chế độ hưu trí khi hết tuổi lao động, nhất là trong thời gian tới đây người lao động dễ dàng được tiếp cận và thụ hưởng lương hưu khi Nhà nước sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và xây dựng hệ thống BHXH đa tầng nhằm tạo điều kiện tối ưu cho người lao động dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi của chế độ hưu trí lâu dài.

Theo tính toán của các tổ chức quốc tế và cơ quan BHXH, nếu cùng một thời gian đóng BHXH thì tổng lợi ích bằng tiền khi hưởng lương hưu hằng tháng sẽ cao hơn nhiều khi hưởng BHXH một lần. 

Đừng vì cái lợi trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu để trang trải cuộc sống, cũng như được hưởng chế độ BHYT để chăm sóc sức khỏe khi về già. Nhận BHXH một lần không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ, mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân, không để ai ở lại phía sau.