S&P 500 leo dốc một mạch 4 phiên, Dow Jones nhảy vọt hơn 250 điểm
Kinhtedothi - Hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones cùng khởi sắc trong ngày 15/5 khi thị trường đang chờ đợi những thông báo tiếp theo từ Mỹ về các thỏa thuận thương mại.
Chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều khi đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm sau khi giới đầu tư đón nhận báo cáo chỉ số giá sản xuất tháng 4.

:Cổ phiếu Nvidia tăng 15% trong phiên ngày 15/5. Ảnh: Nvidia
Chốt phiên, chỉ số S&P 500 tăng 0,41%, đạt mức 5.916,93 điểm. Chỉ số Dow Jones cũng cộng 271,69 điểm, tương đương 0,65% và đóng cửa ở mức 42.322,75 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite lại giảm nhẹ 0,18%, xuống còn 19.112,32 điểm.
Niềm tin vào triển vọng ngắn hạn của thị trường cổ phiếu đã được củng cố trong tuần này sau khi Mỹ và Trung Quốc tuyên bố hạ thuế quan đối ứng cho nhau về 10% trong vòng 90 ngày. Thỏa thuận tốt hơn dự báo này có vẻ đã giúp hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngăn chặn sự sụt giảm trước mắt của hoạt động kinh tế và nguy cơ lạm phát tăng vọt.
Các “ông lớn” công nghệ đang có tuần giao dịch khởi sắc. Cổ phiếu Nvidia và Tesla cùng leo dốc khoảng 15%, trong khi Meta tăng gần 9% trong tuần. Amazon và Alphabet lần lượt cộng hơn 6% và 7%.
Tính từ đầu tuần, Nasdaq Composite nhảy vọt 6,6%, vượt trội so với hai chỉ số còn lại. Chỉ số S&P 500 cộng 4,5% trong khi Dow Jones tăng 2,6%.
“Thị trường đã chuyển sang trạng thái lạc quan thận trọng khi nỗi lo suy thoái dần giảm bớt. Giai đoạn tiếp theo sẽ phụ thuộc vào việc đợt tăng này có thể lan rộng và duy trì trong mùa hè hay sẽ nhường chỗ cho một đợt điều chỉnh lành mạnh” - ông Joe Cusick, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm chuyên gia danh mục đầu tư tại Calamos Investments, nhận định.
Trong phiên giao dịch, cổ phiếu Foot Locker tăng gần 86% sau khi Dick’s Sporting Goods thông báo kế hoạch mua lại nhà bán lẻ này với giá 2,4 tỷ USD. Trong khi đó, cổ phiếu UnitedHealth lại mất gần 11% sau khi tờ Wall Street Journal đưa tin Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra công ty bảo hiểm này.
Ngoài các tin tức tích cực về thuế quan, thị trường Phố Wall cũng hưởng lợi từ dữ liệu lạm phát yếu hơn dự kiến.
Theo báo cáo từ Bộ lao động Mỹ, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 4 giảm 0,5% so với tháng trước, trái ngược với dự báo tăng 0,3% của các nhà kinh tế đưa ra trong cuộc khảo sát của Dow Jones. Trước đó, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố hôm thứ Ba cũng cho thấy lạm phát yếu hơn dự báo. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4 tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà kinh tế được Dow Jones thăm dò dự kiến lạm phát sẽ duy trì ở mức 2,4%.
Dữ liệu lạm phát yếu đã kéo lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống, giảm bớt áp lực đối với giá cổ phiếu. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 8 điểm cơ bản, còn 4,44%, và lợi suất của kỳ hạn 2 năm sụt 9 điểm cơ bản, xuống còn 3,96%.
“Nhà đầu tư lo ngại nguy cơ lạm phát nóng trở lại, nhưng đến lúc này, điều đó vẫn chưa xảy ra”, ông John Augustine - Giám đốc đầu tư của ngân hàng Huntington National Bank nhấn mạnh.
Hiện chỉ số S&P 500 vẫn thấp hơn khoảng 4% so với mức cao kỷ lục thiết lập vào ngày 19/2. Tuy nhiên, S&P 500 đã phục hồi được hoàn toàn sau đợt bán tháo hồi tháng 4 do lo ngại về chiến tranh thương mại toàn cầu khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế quan đối ứng.
Dự báo trong dài hạn, ngân hàng Wells Fargo nhận định thị trường cổ phiếu vẫn phải đối mặt một số lực cản.
“Điểm mấu chốt là vẫn còn nhiều yếu tố bất định,” ông Scott Wren – chiến lược gia thị trường toàn cầu cấp cao tại Viện Đầu tư Wells Fargo – viết trong ghi chú hôm thứ Tư. “Mỹ mới chỉ ở giai đoạn đầu của các cuộc đàm phán thương mại. Do đó, chúng tôi khuyến nghị tiếp tục ưu tiên cổ phiếu Mỹ chất lượng cao thuộc nhóm vốn hóa lớn và trung bình”.
Chứng khoán châu Á thất vọng với số liệu GDP của Nhật Bản
Thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương giao dịch trái chiều trong phiên sáng ngày 16/5 khi các nhà đầu tư phân tích số liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mới nhất của Nhật Bản và chờ đợi một loạt dữ liệu kinh tế khác từ khu vực.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,14%, còn chỉ số Topix tăng 0,12% sau khi số liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Nhật Bản giảm 0,2% trong quý 1/2025. Các nhà kinh tế do Reuters khảo sát trước đó đã dự đoán GDP của Nhật Bản trong 3 tháng đầu năm sụt khoảng 0,1% so với quý trước đó.
Số liệu GDP được công bố trong bối cảnh Nhật Bản đang tiến hành đàm phán thương mại với Mỹ, tuy nhiên các cuộc thảo luận ban đầu giữa hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận cụ thể.
Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia cho biết, kết quả GDP yếu kém của Nhật có thể ảnh hưởng đến kỳ vọng tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và đẩy tỷ giá giữa USD và yen Nhật lên mức kháng cự 148,13. Hiện tại, đồng yen Nhật đang giao dịch ở mức 145,52 so với đồng bạc xanh.
Tại thị trường chứng khoán Australia, chỉ số S&P/ASX 200 tăng 0,44%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc cộng 0,33%, trong khi chỉ số Kosdaq – vốn tập trung vào các công ty vốn hóa nhỏ – giảm 0,2%.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông (Trung Quốc) mất 0,66%. Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đại lục cũng giảm giảm 0,2%.

Chứng khoán Mỹ lao dốc trước cuộc họp quan trọng của Fed
Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ hai liên tiếp khi giới đầu tư thận trọng chờ thông tin từ cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Chứng khoán Mỹ có tuần khởi sắc nhờ các tin tích cực về thuế quan
Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên tăng điểm thứ Tư liên tiếp khi nhà đầu tư xem xét các báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp mới và tìm kiếm dấu hiệu cho thấy căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang hạ nhiệt.

Chứng khoán Mỹ rung lắc khi ông Trump tiếp tục công kích Fed, Dow Jones “bốc hơi” hơn 950 điểm
Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ bị bán tháo trong phiên ngày 21/4 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng cường gây áp lực đến Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, khiến các nhà đầu tư lo lắng về tính độc lập của ngân hàng trung ương.