Sắc lệnh mới mở rộng hoạt động quân sự ở nước ngoài của Trung Quốc

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình mới đây đã ký một sắc lệnh nhằm thử nghiệm và tập trung vào việc mở rộng "các chiến dịch quân sự không phải chiến tranh", nhằm bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh.

Tân Hoa xã đưa tin, sắc lệnh mới gồm 6 chương, có hiệu lực từ ngày 15/6, sẽ cung cấp cơ sở pháp lý để quân đội Trung Quốc mở rộng các hoạt động thời bình, nhằm "bảo vệ tài sản và duy trì chủ quyền quốc gia, an ninh, lợi ích phát triển và ổn định khu vực".

Theo Sydney Morning Herald, Mỹ có chương trình tương tự từ năm 1993. Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc đã trình một đề xuất về việc tăng cường hoạt động thời bình của quân đội Trung Quốc kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2013.

Đề xuất cho rằng các hoạt động phi chiến tranh sẽ giúp tạo nên "hình ảnh tuyệt vời cho quân đội và đất nước", nhưng cũng cảnh báo "các lực lượng có động cơ thầm kín hoặc báo chí nước ngoài" có thể gây ra những vấn đề về quan hệ công chúng bằng cách vu khống các hoạt động của Trung Quốc.

"Trong những trường hợp khác, chính quyền địa phương sẽ chiếm ưu thế với sự phối hợp của quân đội. Các hoạt động quân sự phi chiến tranh được thực hiện ở nước ngoài, có sự tham gia của quân đội nước ngoài, cũng đòi hỏi phải thiết lập những mối quan hệ phối hợp và cộng tác với các cơ quan dân sự và quân sự của những quốc gia này và với các tổ chức quốc tế" - trích đề xuất của Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc.

Hiện chưa rõ đề xuất này của học viện đóng góp bao nhiêu phần vào sắc lệnh vừa được Chủ tịch Trung Quốc ký ban hành. Nội dung sắc lệnh chưa được công khai.

Việc ban hành sắc lệnh diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng tại Thái Bình Dương, khi gần đây nước này đã đạt được một thỏa thuận an ninh với quần đảo Solomon, thúc đẩy gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa Bắc Kinh và Washington.

Quân đội Trung Quốc hiện có 1,9 triệu binh lính và 350 tàu chiến. Mỹ có 1,3 triệu binh lính và 249 tàu chiến, nhưng vượt trội Trung Quốc về sức mạnh của các máy bay chiến đấu, tên lửa và đầu đạn hạt nhân.

Cũng theo Sydney Morning Herald, trước tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương cũng như các vụ chạm trán gần đây giữa máy bay quân sự Australia và Trung Quốc ở Biển Đông, giới chức Canberra đang tỏ ra cảnh giác với các động thái của Bắc Kinh, bất chấp cuộc gặp cuối tuần trước giữa Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles với người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.