Sách giáo khoa không nên để sai sót. Ảnh minh họa |
Ngoài ra, SGK tiếng Việt ở một số bộ sách còn có sự thiếu trong sáng về ngôn ngữ, thiếu logic và chưa khai thác được kho tàng văn hóa dân gian của Việt Nam dẫn tới giáo viên phải vừa dạy và vừa điều chỉnh. Đây là một tình trạng thực tế và đang để lại dư luận không tốt. Điều đáng nói là những tồn tại này chỉ đến khi chính thức đi vào sử dụng thì mới bộc lộ và không được phát hiện sớm hơn từ quá trình biên soạn, thẩm định hay là quá trình phê duyệt để ban hành.
Mặc dù Bộ GD&ĐT khẳng định, phê duyệt sách là đúng quy định. Hội đồng thẩm định quốc gia cho biết đã làm hết sức trách nhiệm. Nhóm tác giả biên soạn sách cho biết nội dung đưa vào SGK đã được chọn lọc và phù hợp. Tuy nhiên, để tạo sự đồng thuận từ trong ngành đến toàn xã hội, cần, thứ nhất, phải làm rõ có hay không tình trạng sai sót ở đây, nếu có thì sai ở đâu, thuộc cuốn nào, bộ sách nào và trách nhiệm xử lý, khắc phục hậu quả thuộc về ai. Quan điểm là SGK đã sai thì bắt buộc phải sửa.
Do đó, đối với các bộ SGK lớp 1 đang lưu hành trên thị trường, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT tạm dừng thực hiện; khẩn trương tiến hành rà soát và cho thẩm định lại toàn bộ các SGK này. Đối với từng môn học, cần thành lập Hội đồng thẩm định cấp quốc gia với tất cả các thành viên mới hoàn toàn thẩm định lại khách quan, minh bạch từng bài học, từng nội dung. Chỉ khi nào thật sự kỹ lưỡng, chính xác thì mới đưa SGK vào sử dụng nhằm tạo sự yên tâm cho toàn xã hội. Trong thời gian thẩm định lại SGK, cần tránh trường hợp việc thu hồi sách chỉ diễn ra cục bộ ở từng địa phương, từng bộ sách và tránh việc sử dụng học liệu thiếu tính nhất quán….Thứ hai, về kinh tế, để thực hiện thẩm định lại cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan từ biên soạn, thẩm định đến phê duyệt để ban hành. Trước hết, với các nhóm tác giả, nguồn lợi về kinh tế mà họ thu được phải gắn với trách nhiệm đến khâu cuối cùng. Sách của nhóm nào sai sót thì chủ biên của nhóm đó phải chịu trách nhiệm. Đặc biệt, khi buộc phải thu hồi để chỉnh sửa thì cần cung cấp sách thay thế và miễn phí cho học sinh, tránh để phụ huynh cũng như học sinh chịu thiệt hại kép…Thứ ba, về việc quy trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền. Tôi đề nghị cần xem xét kỹ lưỡng từng khâu để làm rõ mức độ sai sót…Trẻ ở lứa tuổi bắt đầu học tiểu học như một tờ giấy trắng. Thầy cô, cha mẹ là người đang tô vẽ những nét đầu đời sơ khai cho tờ giấy ấy. Bất luận thế nào, sách dùng để dạy cho trẻ phải được cân nhắc một cách thận trọng. Tôi hy vọng trong khả năng có thể, chúng ta nên tập trung tổng rà soát các bộ SGK này nhằm rút kinh nghiệm để thực hiện tốt cho năm học này và chu đáo cho các năm học tiếp theo…