Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sách giáo khoa mới lớp 6: Đổi mới, sáng tạo và… khó

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm học 2021 -2022 là năm học đầu tiên học sinh (HS) lớp 6 sẽ học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình GDPT 2018, ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT); đi cùng với đó là việc triển khai bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 6 hoàn toàn mới mẻ.

Lớp 6 có nhiều môn học mới
Với cách tiếp cận theo hướng mở, hình thức đẹp, bắt mắt, nhiều HS lớp 6 thấy thích thú khi vừa mở bộ SGK mới ra. Tuy nhiên, càng đọc các nội dung cuốn sách, HS sẽ nhận ra rằng, bộ sách mới thực sự là thách thức, đòi hỏi sự chủ động, sáng tạo của HS trong việc học. Không những vậy, chương trình SGK lớp 6 mới sẽ có một số môn học và hoạt động giáo dục lần đầu xuất hiện; đó là môn: Lịch sử và Địa lí (tích hợp môn Lịch sử, Địa lí), Khoa học Tự nhiên (tích hợp môn Vật lí, Hóa học và Sinh học), môn Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp.
Cụ thể, 2 phân môn Lịch sử và Địa lí được thiết kế theo mạch nội dung riêng, trong đó nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ; nội dung Lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Địa lí và nội dung Địa lí tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Lịch sử.
 Những cuốn SGK lớp 6 bộ mới
Đối với môn Khoa học Tự nhiên, chương trình môn học bao gồm các chủ đề: Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái Đất và bầu trời. Các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lí, quy luật chung của thế giới tự nhiên. Do đó, kế hoạch dạy học môn học, nhà trường cần xây dựng phù hợp với logic sắp xếp các chủ đề của chương trình môn học và điều kiện tổ chức dạy học của trường. Căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ sở giáo dục có thể tổ chức dạy học đồng thời các chủ đề trong từng học kì, bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với nội dung môn học.
Đối với Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, chương trình bao gồm các nội dung hoạt động được tổ chức trong và ngoài nhà trường với các hình thức hoạt động chủ yếu là: Sinh hoạt dưới cờ, Sinh hoạt lớp, Hoạt động giáo dục theo chủ đề và Hoạt động câu lạc bộ.
Để việc dạy các môn học và hoạt động giáo dục theo chương trình mới đạt hiệu quả, Bộ GD&ĐT đưa ra một số hướng dẫn cho các nhà trường triển khai thực hiện; trong đó có lưu ý căn cứ tình hình thực tế đội ngũ giáo viên, hiệu trưởng các trường sẽ phân công thầy cô dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS.
Giáo viên lớp 6: Ưu tiên năng lực và kinh nghiệm
Trên cơ sở đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức tập huấn SGK mới lớp 6 đến hầu hết các cơ sở trường học khối THCS trên địa bàn TP qua hình thực trực tuyến. Hiện công tác tập huấn này vẫn tiếp tục được triển khai tích cực tại một số trường học thuộc các quận, huyện trên địa bàn TP.
Cô Đinh Thị Kim Ngân - Hiệu trưởng trường THCS Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội- cơ sở vừa thực hiện tập huấn SGK cho biết: “Nhà trường đã triển khai tập huấn SGK mới lớp 6 cho 100% đội ngũ giáo viên trong trường để tất cả cùng được tiếp cận bộ sách mới và thấy được điểm khác biệt của bộ sách, từ đó chủ động trong việc tự học hỏi, đổi mới trong tiếp cận. Năm nay, bộ sách mới yêu cầu giáo viên phải chủ động trong phương pháp dạy sao cho khơi gợi tinh thần chủ động của HS nên việc quan tâm, bố trí giáo viên dạy khối 6 là nội dung được ban giám hiệu nhà trường đặc biệt lưu ý. Căn cứ vào năng lực và kinh nghiệm của các thầy cô, trường sẽ có lựa chọn phù hợp để đáp ứng nhiệm vụ giảng dạy của từng môn học”.
 Công tác tập huấn SGK mới lớp 6 được các trường triển khai nghiêm túc, chất lượng
“Bộ SGK mới lớp 6 có yêu cầu đổi mới phương pháp, cách tiếp cận HS; đồng thời yêu cầu giáo viên nhiệt huyết, dám đổi mới, luôn sáng tạo và gần gũi HS; do đó nhà trường đã có những định hướng nhất định trong việc chọn lựa giáo viên dạy lớp 6. Lớp 6 cũng là năm đầu cấp 2, những thay đổi, bỡ ngỡ về tâm lý, về khối lượng kiến thức và cách thức học sẽ ít nhiều gây xáo trộn tâm lý của HS; do đó càng đòi hỏi đội ngũ giáo viên tâm huyết để truyền đạt hiệu quả yêu cầu bài học”- thầy Cấn Việt Thắng, Hiệu trưởng trường THCS Phúc Xá, Ba Đình nêu ý kiến.
Nhận xét về SGK môn Ngữ văn lớp 6 - Bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, trường THCS Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết: “Điều đầu tiên là hình thức SGK năm nay có màu sắc bắt mắt, khổ lớn hơn nên dễ nhìn, dễ đọc. Nội dung, cách thức hướng dẫn HS theo định hướng 4 kỹ năng: Nghe- nói- đọc- viết và chú trọng kỹ năng đọc - hiểu qua phần “Đọc mở rộng”. Ngay mở đầu, phần “Hướng dẫn sử dụng sách” đã ghi chú rõ những điểm HS cần lưu ý khi học. Mỗi bài học có các phần: Đọc, viết, nói và nghe, củng cố mở rộng và thực hành đọc. Các bài học đều sự lồng ghép câu hỏi trong khi đọc giúp định hướng cho HS thông qua yêu cầu theo dõi, tưởng tượng, dự đoán… về nội dung hoặc đặc điểm nghệ thuật của văn bản. Các câu hỏi trong khi đọc chỉ là những gợi ý, hướng dẫn để HS đọc hiệu quả hơn. Phía cuối sách có 3 phụ lục: Bảng tra cứu thuật ngữ, giải thích một số thuật ngữ và bảng tra cứu yếu tố Hán- Việt.
Cô Đinh Thị Thu Hiền, giáo viên trường THCS Phúc Xá, quận Ba Đình bày tỏ: “Nội dung SGK lớp 6 bám sát, tuân thủ một cách tuyệt đối các yêu cầu của Chương trình GDPT mới. Phương pháp dạy học có sự đổi mới, đó là phát triển năng lực, phẩm chất của HS thông qua các hoạt động thực hành trên lớp, thầy cô định hướng hoạt động của HS là chính. Bộ sách không chỉ cung cấp nội dung dạy học mà còn hướng dẫn giáo viên, HS cách thức học tập và phương pháp học hiệu quả, đặc biệt là phương pháp đọc, viết, nói, nghe. Bộ sách còn thiết kế một Sổ tay hướng dẫn đọc để HS áp dụng vào tự học, tự đánh giá.

 Các giáo viên dạy lớp 6 đã sẵn sàng cho nhiệm vụ năm học mới
"Con đã xem bộ SGK cũ và giờ xem bộ sách mới. Nhìn chung con thấy bộ sách mới màu sắc đẹp và nội dung cũng nhiều phần khó. Trước sách cũ là đọc 1 mạch nhưng giờ HS sẽ phải nhìn trái, nhìn phải, đọc các lưu ý, gợi ý trước rồi mới đọc văn bản để nắm nội dung, ý nghĩa của bài học nhanh hơn, tránh việc phải đọc đi đọc lại. Bộ sách mới đòi hỏi HS phải đọc bài trước để suy nghĩ, sau đó đến lớp dưới sự hướng dẫn của cô giáo lại đọc tiếp và nghiên cứu nên hiểu sâu hơn”- em Phạm Ngọc Minh, HS chuẩn bị lên lớp 6 nhận xét về bộ SGK mới.

Với SGK tiếng Anh, nhiều ý kiến giáo viên cho rằng sách được biên soạn tinh giản, kiến thức ngắn gọn hơn, một số hoạt động đã được điều chỉnh hoặc thay đổi logic hơn, góp phần đa dạng các hoạt động học tập nhưng vẫn đảm bảo về kiến thức, đáp ứng  yêu cầu phát triển năng lực cho HS; chú trọng đến trọng âm từ, trọng âm câu giúp cho việc phát âm của HS tốt hơn.

Là năm đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018 với bộ SGK mới, nhiều khó khăn, thách thức cùng sự thú vị, hấp dẫn sẽ đặt ra đối với giáo viên và HS lớp 6. Việc được tham gia tập huấn SGK đã bổ trợ kiến thức rất nhiều kiến thức bổ ích cho đội ngũ giáo viên; đó cũng là một kênh để các thầy cô được lắng nghe, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia giáo dục giàu kinh nghiệm.

Được biết, song song với tập huấn chương trình SGK, các trường học tại Hà Nội đã tổ chức sinh hoạt chuyên môn để thảo luận, góp ý, trao đổi tư liệu về xây dựng kế hoạch giáo dục, soạn giáo án, dự  tiết dạy minh họa. Các hoạt động này đều được thực hiện trực tuyến để vừa chuẩn bị hành trang cho năm học mới, vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch Covid- 19.