Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều: Không thể chỉnh sửa chắp vá

Hà An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh vừa công khai tài liệu điều chỉnh và bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều để xin ý kiến góp ý. Tài liệu này được đăng tải trên trang web của bộ SGK Cánh Diều lớp 1, gồm 12 trang nội dung. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đối với sách Tiếng Việt, cần có những xem xét cẩn trọng, cụ thể, không chắp vá thì nội dung sách mới thực sự… hết sạn.

Chỉnh nhưng vẫn trúc trắc

Tài liệu chỉnh sửa đăng tải để lấy ý kiến góp ý của NXB có 2 phần. Phần I: Giới thiệu một số ngữ liệu để giáo viên có thể sử dụng thay thế các bài đọc chưa phù hợp; Phần II: Hướng dẫn điều chỉnh một số từ ngữ trong bài. Cụ thể, trong tài liệu điều chỉnh đưa ra 11 bài đọc bổ sung cho 11 bài bị cho là không phù hợp, được Bộ GD&ĐT yêu cầu chỉnh sửa bổ sung cùng nhiều điều chỉnh liên quan đến từ ngữ trong các bài học.

Hầu hết những phần ngữ liệu gây bức xúc trong dư luận thời gian qua đều được NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh bổ sung ngữ liệu mới. Ở phần điều chỉnh từ ngữ, nhiều từ bị đánh giá không phù hợp được loại bỏ, thay thế.
Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Thịnh Hào, quận Đống Đa trong giờ học tiếng Việt. 

Ảnh: Phạm Hùng

Tuy nhiên, có không ít phụ huynh học sinh và giáo viên khi xem các tài liệu này cho rằng: Phần chỉnh sửa vẫn chưa hoàn toàn phù hợp. Cô Nguyễn Thúy Vân - giáo viên Tiểu học, TP Đà Nẵng cho rằng: Một số điều chỉnh vẫn tạo ra các câu khá trúc trắc và khó giải thích cho học sinh. Ví dụ, trang 61, SGK Tiếng Việt 1, tập 1 thay “Nó la cà nhá cỏ, nhá dưa, lơ mơ ngủ” bằng “Nó la cà chỗ nọ, chỗ kia, lơ mơ ngủ”… Tức là các từ phổ thông hơn, nhưng ngữ nghĩa lại tối, trong văn cảnh một con thỏ đang la cà rong chơi chỗ nọ chỗ kia, tại sao lại vừa la cà vừa mơ ngủ? Tương tự, bài số 25, trang 49, phần tập đọc như sau: “Nhà sẻ có sẻ bé. Sẻ ca “ri...ri...”. Phía xa là nhà quạ. Quạ la “quà...quà...”. Sẻ bé sợ quá. Sẻ bố dỗ: Sẻ ca ri ri. Quạ la quà quà. Bé sợ gì!”. Thế nhưng trong tài liệu chỉnh sửa NXB chỉ sửa từ “quà... quà” thành “quạ... quạ”. Trong khi đó, cả bài đọc này được nhận rất nhiều ý kiến rằng khó hiểu, trúc trắc, khó giải thích cho trẻ lớp 1.

Không thể chắp vá sơ sài

Được biết, nhiều địa phương có tỷ lệ chọn bộ SGK Cánh Diều rất cao. Trong đó, riêng môn tiếng Việt có những địa phương 100% chọn SGK của Cánh Diều như: Phú Thọ, Thái Nguyên, Nam Định. Tỷ lệ chọn SGK Cánh Diều tính theo số học sinh (HS) ở nhiều tỉnh khá cao, như Tây Ninh 95%, Tiền Giang 75,86%, Thái Bình 64,08%, Hậu Giang 77%... Tại TP Hồ Chí Minh, có khoảng 20%, Hà Nội khoảng 50% số trường tiểu học chọn SGK của bộ Cánh Diều.

Trên tinh thần cầu thị, nhóm tác giả biên soạn sẽ chỉnh sửa, tiếp thu, và Hội đồng thẩm định của Bộ GD&ĐT sẽ xem xét lại những nội dung chỉnh sửa. Tuy nhiên, ngay từ khi vấn đề chỉnh sửa được đặt ra và đến thời điểm hiện tại, PGS Nguyễn Hữu Đạt - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Việt ngữ học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) bảo lưu quan điểm: “Ngữ liệu của các bài đọc ngô nghê. Nếu muốn dùng để dạy thì phải biên soạn lại chứ không thể sửa chữa theo kiểu chắp vá như phương án mà tác giả đưa ra”.

Đến thời điểm này, không ít giáo viên được hỏi vẫn chưa tiếp cận với nội dung góp ý để chỉnh sửa SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều. Trong khi chờ tài liệu chỉnh sửa, bản thân các giáo viên phải chủ động giải thích và chọn ngữ liệu phù hợp cho các em.

Cô N.T.T. - giáo viên trường Tiểu học Nghĩa Thuận C, Nghệ An cho biết: Với những từ có cách đọc, cách viết khác nhau giữa hai miền Nam - Bắc, cô giáo dạy âm, vần xong sẽ nói cho rõ nghĩa để học sinh nắm bắt được vì sao lại gọi tên như vậy. Cô N.H.G., tại Gia Lâm, Hà Nội cho biết: “Thay ngữ liệu, chọn từ phổ thông là cần thiết, nhưng có những bài không thể thay một, hai từ là đã hoàn toàn dễ giải thích nghĩa cho các con. Vì thế, tôi hy vọng nhóm tác giả kỹ lưỡng với những nội dung chỉnh sửa, bài nào cần thay thế hoàn toàn thì phải thay thế hoàn toàn, bằng những đoạn, từ, câu dễ đọc, dễ hiểu, điều này không chỉ giúp giáo viên, mà còn giúp các em dễ hiểu nội dung bài đọc hơn.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT Thái Văn Tài cho biết, tài liệu chỉnh sửa SGK Tiếng Việt đã được NXB gửi hồ sơ lên Bộ GD&ĐT để đề nghị Hội đồng thẩm định phê duyệt. Sau khi lấy ý kiến rộng rãi dư luận, giáo viên, nhà trường, Hội đồng thẩm định sẽ thẩm định lần cuối vào ngày 21/11.