Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sách hay về ứng xử với khủng hoảng báo chí truyền thông

Huy Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, nhà báo Sông Hương (tên thật là Nguyễn Văn Thân) đã cho ra mắt cuốc sách “Báo chí truyền thông 4.0 - Sự tương tác đa chiều”, do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông cấp phép lưu hành. Nội dung quyển sách đề cập sâu rộng đến bối cảnh hoạt động của báo chí, truyền thông hiện nay. Đặc biệt, ấn phẩm này được xem là “cẩm nang” dành cho doanh nghiệp, khi gặp khó khăn trong ứng xử với khủng hoảng báo chí truyền thông…

Theo nhà báo Sông Hương, quyển sách là sự tích lũy kiến thức về báo chí truyền thông, về quản trị doanh nghiệp, cùng với gần 20 năm trải nghiệm trong nghề báo. Từ đó, tác giả đã đúc kết và sáng tạo nhiều mô hình truyền thông tích hợp, mang tính “thực chiến” cao.
Một phần nội dung quyển sách đề cập đến hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay, doanh nghiệp rất khó tránh khỏi khủng hoảng liên quan đến báo chí và truyền thông, từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì thế, doanh nghiệp chỉ có thể hạn chế khủng hoảng chứ không thể loại bỏ. Doanh nghiệp nào không bị khủng hoảng có nghĩa là doanh nghiệp đó hoạt động thiếu đổi mới, phát triển, sáng tạo hoặc đang che đậy các khiếm khuyết nội tại.
Tác giả Sông Hương với quyển sách ''Báo chí truyền thông 4.0 - Sự tương tác đa chiều''.
Ở nước ta, nhiều doanh nghiệp đang làm truyền thông thương hiệu qua "lỗ xỏ" đồng xu, nghĩa là chỉ dùng tiền để kết nối với nhiều kênh báo chí. Điều này chỉ mang đến hiệu quả trong ngắn hạn, trong khi mục tiêu của doanh nghiệp là cạnh tranh, phát triển trong dài hạn. Khi ngân sách cạn dần thì hiệu quả truyền thông quảng cáo cũng không còn nữa, thay vào đó là nguy cơ khủng hoảng báo chí và truyền thông sẽ xuất hiện.

Thông qua báo Kinh tế & Đô thị, tác giả sẽ tặng 20 quyển sách cho các đối tác doanh nghiệp (1 doanh nghiệp/1 quyển). Liên hệ nhận sách: 0911078440.

Điều đáng nói là nhiều doanh nghiệp ở nước ta dù rất sợ khủng hoảng báo chí và truyền thông nhưng lại xem nhẹ việc trang bị "kịch bản" ứng phó. Vì thế, khi tiến hành xử lý khủng hoảng báo chí và truyền thông, doanh nghiệp luôn muốn chứng minh không sai, rằng quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn này nọ, sản phẩm chất lượng được kiểm chứng từ tổ chức có uy tín... Đó là một sai lầm nên tránh.
Tâm lý hiếu thắng sẽ chỉ mang đến sự nguy hiểm, vì như vậy chẳng những không giúp ích gì cho doanh nghiệp mà còn góp phần làm cho "đám cháy" từ báo chí và truyền thông có thể bùng phát lớn hơn, lan rộng hơn.
Nhà báo Sông Hương nhấn mạnh, hoạt động truyền thông doanh nghiệp chỉ thật sự tương tác, kết nối bền chặt với các kênh báo chí và truyền thông khi doanh nghiệp xây dựng thông điệp truyền thông dựa trên các câu chuyện về sản phẩm, dịch vụ và danh tiếng. Có thể kể đến những tập đoàn, doanh nghiệp đã xây dựng câu chuyện truyền thông thành công và đi sâu vào tiềm thức của công chúng độc giả như: Vinamilk, Viettel, FPT, Samsung, Apple...
Ngoài ra, quyển sách "Báo chí truyền thông 4.0 - Sự tương tác đa chiều" này cũng cung cấp thêm một số nội dung liên quan các loại khủng hoảng khác của doanh nghiệp như: Khủng hoảng từ sản phẩm; khủng hoảng từ marketing; khủng hoảng từ chiêu thị; khủng hoảng từ đại sứ nhãn hiệu; khủng hoảng bảo mật thông tin; khủng hoảng từ mạng xã hội; một số khủng hoảng khác; dự báo và chống khủng hoảng; phục hồi sau khủng hoảng.
Vì thế, ấn phẩm này được xem là "cẩm nang" rất tốt hiện nay dành cho doanh nghiệp, khi ứng xử với khủng hoảng báo chí truyền thông.