Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục: Giúp trẻ học nhanh và vui vẻ

Chi Lê – Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi dư luận xã hội còn đang tranh luận về bộ sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục lớp 1 (TV1-CNGD) thì những người từng học và được tiếp cận với giáo trình này đều khẳng định hiệu quả mà nó mang lại. Nhiều người cho rằng học theo sách này trẻ có sự tiến bộ rất nhanh.

Sách Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục lớp 1.
Chỉ 3 - 4 tháng là đọc thông, viết thạo

Là cựu học sinh khóa 3 của trường Thực nghiệm Giảng Võ do GS. TSKH Hồ Ngọc Đại khởi xướng, anh Đoàn Thụy Anh cho biết, dùng hình hay bất cứ vật gì trực quan để đánh dấu/ghi nhớ số lượng các tiếng trong câu thơ/đoạn văn là cách từ ngày xưa nhà trường dạy cho học sinh lớp 1. “Bọn mình được học phương pháp rất đơn giản. Lúc đó chưa biết chữ, khi học một đoạn văn hay câu thơ thì phải ghi nhớ trong đầu có bao nhiêu tiếng, tiếp theo là có bao nhiêu tiếng giống nhau. Khi nghe một tiếng thì học sinh nhặt một vật để thay thế, trực quan, có thể là hình tròn, ô vuông hay hình tam giác. Sau đó, sẽ ghi lại những tiếng giống nhau của câu thơ đó.
Âm là để đọc, chữ là để viết, một âm có thể ghi bằng nhiều con chữ. Trước đây dựa vào chữ để đọc thì có nhiều cách đọc, giờ đưa về âm để đọc nên chỉ có một cách. Phương pháp dạy này “lạ” vì nó không giống những gì ta đã biết, đã học và đã đọc trước đây. Tuy nhiên, chương trình này đã được áp dụng nhiều chục năm nay, kết quả học sinh biết đọc nhanh hơn, ít mắc lỗi chính tả hơn, khả năng sử dụng Tiếng Việt trong các thế hệ học sinh cũng cải thiện rõ rệt”.

Cô giáo Thanh Thúy - Giáo viên trường Tiểu học Tô Hiệu, TP Hải Dương
Anh Thụy Anh và các bạn học cùng lớp 1 được trải nghiệm phương pháp đọc, nghe, nhận biết trong đoạn văn/câu thơ có bao nhiêu tiếng và phân tích chỉ trong 3 – 4 tiết đầu. Sau đó, được học cách đánh vần (dùng ký hiệu chỉ âm để ghép với vần). Thông qua các quy tắc chính tả, học sinh sẽ biến từ vần đó sang ký tự, viết ra thành từ trên vở. Quá trình đó diễn ra rất nhanh, chỉ 3 – 4 tháng là học sinh lớp 1 đọc được bình thường. Gia đình anh đã có 2 thế hệ với 7 người đã từng học trường Thực nghiệm. Anh cho biết thêm, vợ chồng anh có 3 người con, cháu đầu và cháu thứ ba học ở trường Thực nghiệm. Cháu thứ hai học ở trường công đúng tuyến, mỗi khi về nhà không chủ động nói chuyện học hành ở lớp. Vì quá lo lắng, hết năm lớp 1, anh chuyển con vào học trường Thực nghiệm. “Thay đổi lớn nhất khi cháu vào học trường Thực nghiệm là sự chủ động, hào hứng chia sẻ việc học và chơi ở trường ra sao” - anh nói. Nhiều phụ huynh khác cùng chung nhận định như anh Thụy Anh.

Giúp trẻ hiểu tiếng nói hàng ngày

Các nội dung của tài liệu TV1–CNGD như cách đánh vần, ghép vần, nhận biết tiếng theo ô vuông, hình tròn… đều đã được các đơn vị có uy tín thẩm định và ghi nhận về hiệu quả của nó. Trao đổi với báo chí sáng 8/9, GS.TSKH Hồ Ngọc Đại cũng đã có những giải thích về các nội dung được cho là “lạ lùng”. Theo ông, mục tiêu cao nhất là giúp trẻ có thể nghe, viết được ngôn ngữ đời sống. “Khi 100% dân cư đi học thì ngôn ngữ đó là ngôn ngữ hàng ngày, chứ không chỉ học trong sách vở. Trẻ phải nghe được, nói được, viết được ngôn ngữ đó” – GS Hồ Ngọc Đại thẳng thắn.
 GS Hồ Ngọc Đại
Từ quan điểm này, ông xây dựng cách học tiếng từ ngữ âm. “Ngữ âm và tiếng nói là hai phạm trù khác biệt nhau. Học sinh lớp 1 chỉ cần phân tích về âm, chưa xét đến ngữ nghĩa. Khi đã có âm, nếu âm có nghĩa thì trở thành từ, sau đó đọc thành tiếng. Học sinh phải phiên âm được, viết được tiếng nói, thì các cháu mới không tái mù chữ” – ông nói. Tiếp đến, ông xây dựng cách học theo các ký hiệu bằng các hình vuông, hình tròn. Ký hiệu hình tượng giúp học sinh nắm được tiếng nói, biết phân biệt tiếng nói và chữ viết.

Với sự công nhận của các đơn vị trong việc thẩm định tài liệu và giải thích từ chính tác giả của chương trình, tài liệu TV1 – CNGD đã chứng minh được uy tín và tính đúng đắn của nó để đưa vào giảng dạy tại các địa phương.

Nên đưa vào chương trình phổ thông mới

Chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị về phương pháp dạy học theo sách TV1-CNGD, GS.TS Nguyễn Lân Dũng – Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực khẳng định: Con trai tôi (PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Phó Giám đốc Bệnh viện trường Đại học y, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV – PV) và GS Toán học Ngô Bảo Châu cũng như tất cả các bạn theo học khóa 1 trường Thực nghiệm Giảng Võ đều trưởng thành và thành đạt. Phương pháp dạy học tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại rất khoa học, hợp lý, đem lại nhiều niềm vui cho học sinh. “Hồi đó, tôi đưa con đi học hàng ngày nên biết cháu học cái gì. Cách dạy của anh Đại quá hay, đơn giản và thành tích học tập rất tốt nên ở nhà chúng tôi không phải dạy con học. Lân Hiếu đi học với tâm trạng rất vui vẻ, hạnh phúc, do vậy có thể dễ dàng đạt được nhiều thành tích cao. Điều này đúng như khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” đã được nhà trường đề ra khi đó. Từ thành công của chương trình này, đến nay trong cả nước đã có hơn 800.000 người theo học TV1 - CNGD” – GS Lân Dũng nhấn mạnh.

GS Dũng nhận định, để có được cách dạy phát âm như của GS Hồ Ngọc Đại là đầy những công phu nghiên cứu và tiếp thu được những thành công của quốc tế chuyển về Việt Nam. Trao đổi về việc, vì sao chương trình hay nhưng gần 40 năm qua vẫn thí điểm, GS Dũng nói: Trước đây, Quốc hội quy định một chương trình, một bộ sách giáo khoa nên Bộ GD&ĐT chỉ thực hiện thí điểm giáo trình này. Nhưng cái dở là thí điểm tới 40 năm. Bây giờ Quốc hội đã có quyết định một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, tôi rất muốn những bộ sách tâm huyết của anh Hồ Ngọc Đại, Phạm Toàn – Nhóm Cánh buồm được Hội đồng thẩm định thông qua vì rất có lợi cho người học. Nếu Hội đồng vì thành kiến cá nhân mà bác bỏ thì tiếc cho cả một thế hệ và lãng phí lớn khi đã có trên 800.000 người theo học chương trình này.

Đồng quan điểm, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDSS, Bộ Y tế Phan Thị Thu Phương - cựu học sinh khóa 1 trường Thực nghiệm Giảng Võ cho rằng: “Đối với việc dạy tiếng Việt, điều quan trọng là đánh giá đầu ra của học sinh dựa trên nghe, nói, đọc, viết thành thạo. Và, sau này các em giỏi giang mọi lĩnh vực, bản lĩnh, thẳng thắn, dám nói ra sự thật chứ không phải chỉ mỗi cách đánh vần”.
Tài liệu đã được thẩm định kỹ lưỡng

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, bộ sách TV1-CNGD hiện đang là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhất là với học sinh vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. 

Tài liệu TV1 – CNGD là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là GS.TSKH Hồ Ngọc Đại. Trải qua nhiều lần nghiên cứu, áp dụng thí điểm trong dạy học môn Tiếng Việt ở lớp 1 tại trường Thực nghiệm và một số cơ sở giáo dục, tài liệu này mới được Bộ GD&ĐT đồng ý cho các địa phương có nhu cầu triển khai. Tuy nhiên với điều kiện các cơ sở phải đảm bảo được việc dạy học Tiếng Việt lớp 1 cho trẻ, đặc biệt là tại những vùng khó khăn từ năm học 2008 - 2009 đến năm học 2016 – 2017.

Cuối năm 2016, Bộ GD&ĐT giao Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả triển khai Tài liệu TV1-CNGD và đề xuất các giải pháp chỉ đạo. Trong năm 2017 và 2018, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức Hội đồng thẩm định quốc gia để thẩm định tài liệu TV1 - CNGD. Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đưa ra đánh giá: Tài liệu TV 1–CNGD triển khai ở các địa phương có hiệu quả. Trong khi Hội đồng thẩm định đánh giá Tài liệu TV1 - CNGD về cơ bản đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kĩ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

Dựa trên kết quả này, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các sở GD&ĐT triển khai Tài liệu TV1-CNGD phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường trong năm học 2017 - 2018 và năm học 2018 – 2019.