Cuốn sách của tác giả Siddhartha Mukherjee là câu chuyện về sự sinh thành, phát triển, tương lai của gen - đơn vị cơ bản của di truyền, đơn vị cơ sở của tất cả thông tin sinh học, và là một trong những ý niệm có sức tác động nguy hiểm, lợi hại nhất trong lịch sử khoa học.
Đây là cuốn sách nối tiếp sau "Lịch sử ung thư: Hoàng đế của bách bệnh" - tác phẩm đã được trao giải Pulitzer năm 2011 dành cho hạng mục sách phi hư cấu và được bình chọn là một trong 100 cuốn sách có ảnh hưởng nhất trong 100 năm qua theo tạp chí Time.
Cuốn sách được sắp xếp cả theo thứ tự niên đại lẫn chủ đề mà đường cong chính yếu là lịch sử. Mukherjee bắt đầu dẫn dắt từ khu vườn trồng đậu của Mendel, trong một tu viện hẻo lánh ở Moravia vào năm 1864, nơi “gen” được khám phá rồi nhanh chóng bị quên lãng.
Cuốn sách là những câu chuyện lồng trong mỗi câu chuyện, nhưng cuốn sách này còn là một câu chuyện rất cá nhân, một lịch sử riêng tư. Tác giả dẫn giải từ chính những bi kịch gia đình với một số thành viên của nhiều thế hệ mắc phải những bệnh trạng tâm thần khó hiểu. Đây cũng chính là sự nối kết xuyên suốt cuốn sách, đặt ra những trăn trở về khả năng tiến xa đến đâu của loài người trong hành trình từ phòng thí nghiệm khoa học di truyền ra với thực tế.
Tác giả Siddhartha Mukherjee chia sẻ rằng: “Nếu ung thư, xin mượn lối miêu tả ác quỷ từ trường ca Beowulf, là phiên bản méo mó của bản ngã bình thường của chúng ta, vậy thì cái gì tạo ra những phiên bản không méo mó của nó? Gen là câu chuyện đó - về cuộc đào sâu vào cái bình thường, nhân dạng, biến dị, và di truyền.
Nó là một tiền truyện cho hậu truyện ung thư”. Cuốn sách cũng dẫn dắt độc giả đi qua nhiều thế kỷ nghiên cứu thực nghiệm từ Aristotle và Pythagoras Mendel và Darwin, Boveri và Morgan, đến Crick, Watson và Franklin, cho đến những bậc phát minh đã vẽ bản đồ gen người của thế kỷ XXI.
Chuyện khoa học, chuyện lịch sử xã hội đan cài với những chuyện cá nhân dẫn dắt chúng ta tới những đột phá quan trọng bậc nhất, cổ vũ niềm khát khao chinh phục trong lĩnh vực di truyền người cũng như sự chi phối của nó đến đời sống, tính cách, lựa chọn, bản ngã, số phận con người.
Trong thế giới mà Mukherjee đặt tên là thế giới “hậu gen”, chúng ta đang nắm trong tay một sức mạnh vô cùng mạnh mẽ và nguy hiểm. Và cuốn sách này dường như trả lời cho một câu hỏi định hình tương lai: Nhân loại sẽ trở nên thế nào khi chúng ta học được cách “đọc” và “viết” thông tin di truyền của chính chúng ta?