Câu chuyện được kể đơn giản theo dòng thời gian tuyến tính, nghệ thuật trần thuật cũng không cầu kỳ, nhưng có hai điểm khiến "Phố Nhà Thờ" trở nên đặc biệt. Tác phẩm là tiểu thuyết đương đại đầu tiên do người nước ngoài sử dụng tiếng Việt sáng tác. Bên cạnh đó, tác phẩm phản ánh nhiều vấn đề xã hội hiện thời đứng từ một góc nhìn khác mà tác giả trong nước khó có được.
Tác giả Marko tâm niệm phải viết thực tế, xóa bỏ những ảo tưởng để người đọc đối diện sự thật. Hà Nội đầy những anh thầy Tây ba lô ào ào đi dạy tiếng Anh không bằng cấp, da trắng mắt xanh; những cô gái Việt xanh vỏ đỏ lòng khoe cuộc sống hào nhoáng trên mạng nhưng ngoài đời đi ăn cơm bụi bún chả rẻ tiền; sự thật là du lịch đại chúng đang bùng nổ và làm các danh lam thắng cảnh ngộp thở.Là một người Pháp với vẻ ngoài điển trai lịch lãm, sở hữu euro trong túi, Nicolas đã nghĩ rằng cả đất nước này xoay quanh mình. Vị thế của anh nói riêng và của cộng đồng người da trắng nói chung đã tô đậm thói chuộng Tây, sính ngoại của người Việt. “Tôi thấy hàng nghìn người đổ vào từ mỗi phía: Trẻ con, người lớn tuổi, gia đình, du khách nước ngoài, các cặp tình nhân. Tôi làm theo thiên hạ, dạo quanh hồ, đắm mình vào đám đông và không khí náo nhiệt. Tôi dần phát hiện ra một điều làm tôi vừa bất ngờ vừa thỏa mãn: Tôi đang thu hút nhiều sự chú ý của người Việt. Người thì mỉm cười cúi đầu, người thì vẫy tay chào tôi hello, người thì chỉ vào tôi, họ nói với nhau: Tây kia kìa. Một vài thanh niên bắt chuyện cùng tôi, hỏi tôi “Where are you from?’’ và bắt tay, reo “nai tu mít iu’’. Một thiếu nữ thậm chí khen tôi đẹp trai và xin phép chụp ảnh selfie cùng. Tôi ngỡ ngàng, chưa hiểu tại sao mọi người thân thiện, nhiệt tình với tôi như thể tôi là một gã nổi tiếng, một ngôi sao quốc tế” - Marko Nikolíc viết. Tuy nhiên, Nicolas cũng dần nhận ra sự trọng vọng này dành cho những giá trị Tây phương mà anh khoác trên người, chứ không vì bản chất con người anh. Họ chỉ coi anh như một thứ phụ kiện, một thứ đồ Tây quý hiếm. Minh An