Tuy nhiên, cuốn sách "Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về" do nhà sử học Dương Trung Quốc làm chủ biên, ra mắt trong khuôn khổ Hội sách Hà Nội 2019, chứa đựng một số hình ảnh từ nguồn đặc biệt. “Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về” có 158 ảnh tư liệu, được chia làm 6 phần, gồm: Hà Nội khi quân Pháp rút; Không khí chuẩn bị và thời khắc tiếp quản; Lễ chào cờ lịch sử; Ủy ban quốc tế; Báo chí; Sau tiếp quản.
Theo ông Dương Trung Quốc, khi thực hiện triển lãm ảnh về Ngày Giải phóng Thủ đô, Ban Tổ chức nhận được hai cuộn phim của một nhà giáo từ Huế gửi ra. Trong hai cuộn phim là 70 tấm ảnh của ông Thân Trọng Ninh chụp Hà Nội vào ngày 9 và 10/10/1954.
Hai cuộn phim của ông Thân Trọng Ninh khiến những người làm lịch sử nảy ra ý tưởng tìm kiếm nguồn tư liệu ảnh trong các album gia đình. Nhiều bức ảnh được lưu giữ trong các gia đình Hà Nội ngày ấy, đến nay đã thành tư liệu quý giá. Đó có thể là ảnh của những nghệ sĩ nhiếp ảnh như bậc thầy Nguyễn Duy Kiên, ông Phan Xuân Thúy (chủ hiệu ảnh Quốc tế), nghệ sĩ Hữu Cấy…
Những người sinh sống bao năm ở Hà Nội cũng gửi tới các bức ảnh về thời khắc lịch sử, đó là ảnh của kiến trúc sư Đặng Trần Phát (phố Hàng Gai), ông Trịnh Tiến (phố Hàng Bồ), ông Vũ Văn Mỹ (phố Hàng Bông), ông Lê Sửu (phố Hàng Đào), nhà khoa học Nguyễn Phúc Giác Hải…
Trong cuốn sách, mỗi bức ảnh như một câu chuyện kể về Ngày Giải phóng Thủ đô 65 năm trước. Đơn cử như: “Một cách thể hiện như Khải hoàn môn của người dân Thủ đô dựng lên tại một số đường phố Hà Nội, nơi đoàn quân về tiếp quản đi qua. Hàng Đào dựng cổng bọc lụa điều. Hàng Thiếc lợp bằng tôn...”, sách viết.
Kèm theo đó là nhiều hình ảnh Khải hoàn môn Hà Nội của 1954, hay cuộc sống mới của người dân Hà Nội sau giải phóng được phác họa bằng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ nước bạn xuất hiện khắp nơi. Ông Dương Trung Quốc cho rằng những hình ảnh trong sách là nguồn tư liệu để bảo tồn một cách trung thực nhất thời khắc lịch sử.