Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sai lầm của Thái Lan trong kế hoạch cho người nước ngoài sở hữu đất ở

Đào Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề xuất của Bangkok về việc cho phép người nước ngoài mua đất ở Thái Lan là những sự tính toán nông cạn của Chính phủ Thái Lan và sẽ không phải là liều thuốc chữa bệnh cho nền kinh tế ảm đạm của người Thái, hai chuyên gia kinh tế cho biết.

Các tòa nhà chung cư ở ngoại ô thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP
Các tòa nhà chung cư ở ngoại ô thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP

Nhằm thu hút các nhà đầu tư giàu có đến từ Trung Quốc để phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, chính phủ Thái Lan đang dự tính về một sự thay đổi lớn trong luật điều chỉnh quyền sử hữu tài sản đối với người nước ngoài.

Ngày 15/7 vừa qua, chính phủ của thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã công bố một chính sách mới đề xuất cho phép người nước ngoài được sở hữu đất sử dụng trong khu dân cư. Mục tiêu đã nêu của chính sách là nhằm thúc đẩy nền kinh tế Thái Lan bằng cách thu hút những người nước ngoài giàu có chi tiêu và dầu tư vào đất nước này.

Những công dân nước ngoài đã đầu tư 40 triệu baht (khoảng 1,1 triệu USD) vào bất động sản, chứng khoán hoặc các quỹ tại Thái Lan trong khoảng thời gian 3 năm tính từ tháng 9/2022, sẽ được phép sở hữu tới 1 rai (khoảng 1600m2) đất.

Ở một góc nhìn khác, đề xuất này giải quyết một vấn đề đang tồn tại ở Thái Lan: nguồn cung nhà ở hiện tại vượt xa nhu cầu. Số liệu từ năm 2020 cho thấy, có hơn 90.000 căn hộ chung cư chưa bán được ngay trong khu vực đô thị Bangkok.

Cảnh giác với các nhà đầu tư Trung Quốc

Thị trường bất động sản Thái Lan đã phải vật lộn với tình trạng dư thừa căn hộ trong nhiều năm qua và nguồn cung này sẽ còn tăng lên trong thời gian tới. Theo The Bangkok Post, người nước ngoài hiện chỉ sở khoảng 90.000 căn hộ trong số 1,5 triệu căn hộ chung cư tại Thái Lan. Việc nhắm mục tiêu tới các nhà đầu tư giàu có với sức chi tiêu mạnh có thể giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản đang rình rập này.

Đề xuất thay đổi về quy định sở hữu đất đai nhằm mục đích tăng cường đầu tư thêm 800 tỷ baht vào Thái Lan. Đề xuất này có thể sẽ thu hút các nhà đầu tư tiềm năng từ Trung Quốc. Hiện tại, một nửa số căn hộ chung cư thuộc sở hữu người nước ngoài ở các địa phương như thị trấn nghỉ dưỡng Pattaya nằm trong tay của người Trung Quốc.

Việc có mối liên hệ chặt chẽ giữa du lịch và đầu tư; di chuyển thuận tiện giữa các thành phố Trung Quốc và Thái Lan làm cho bất động sản Thái Lan trở thành ngôi nhà thứ hai tiềm năng của các gia đình Trung Quốc giàu có.

Các công ty Trung Quốc là những thành phần chính tham gia vào chính sách Hành lang Kinh tế phía Đông hàng đầu của chính phủ Prayut, với tham vọng lớn về phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cấp công nghệ của nền kinh tế Thái Lan. Như vậy, Trung Quốc có thể tận dụng mối liên kết với Bờ biển phía Đông của Thái Lan để thông qua các dự án thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường.

Bangkok rõ ràng hy vọng rằng sự thay đổi trong luật bất động sản sẽ đi kèm với sự đầu tư nhanh chóng của Trung Quốc vào các lĩnh vực có thể thúc đẩy tiến bộ công nghệ trong nền kinh tế Thái Lan. Tuy nhiên, người mua và nhà đầu tư tiềm năng của Trung Quốc có thể sẽ quan tâm đến bất động sản trên đất liền hơn là trong các căn hộ chung cư, đặc biệt là ở các điểm du lịch chính.

Trớ trêu thay, chính sách mới có thể sẽ khiến nhóm người mua căn hộ chung cư tiềm năng bị thu hẹp, vì những người nước ngoài giàu có - đặc biệt là ở những người Trung Quốc - sẽ có một lựa chọn đầu tư hấp dẫn hơn: Đất đai.

Sự phân nhánh về chính trị và xã hội

Kế hoạch được đề xuất cũng có thể làm tăng nguồn thu từ thuế đất và mang lại lợi ích cho người Thái về mặt tài chính nhưng sự phân nhánh chính trị và xã hội của nó cũng rất đáng để cân nhắc và bàn luận. Người nước ngoài có thể bắt đầu đầu tư tự do vào bất động sản, nhưng liệu họ có cư trú trong nước hay không là một vấn đề khác.

Ngoài ra, việc tăng cường mua nhà ở cao cấp của nước ngoài sẽ làm tăng cường nhận thức về bất bình đẳng trong xã hội và giá đất tăng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng thực tế.

Những lo ngại này đã khiến Đảng Puea Thai đối lập phản đối kế hoạch này. Đảng này cho rằng gần 80% người Thái không sở hữu bất kỳ mảnh đất nào và việc cho phép người nước ngoài mua đất sẽ mang lại lợi ích hơn cho các bộ phận giàu có và sở hữu nhiều đất đai trong xã hội Thái Lan. Từ đó, nó sẽ làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng về quyền sở hữu đất đai.

Ngoài những lo ngại của Puea Thai, chưa chắc rằng việc nới lỏng những hạn chế về quy định sở hữu đất đai sẽ là công thức kì diệu để khởi động lại nền kinh tế ảm đạm của Thái Lan như chính phủ thủ tướng Prayuth kì vọng.

Thái Lan nên cố gắng tạo ra một môi trường đầu tư lành mạnh với các cấu trúc pháp lý và quy định được cải tiến và minh bạch, từ đó khiến các nhà đầu tư cảm thấy đáng tin cậy để “rót tiền” vào đất nước này. Cách tiếp cận đó là một cách hứa hẹn hơn để thu hút các nhà đầu tư, công nghệ và đổi mới đất nước Thái Lan.

Với sự thiếu thấu đáo và tác động bất lợi tiềm tàng của nó đối với sự bất bình đẳng trong xã hội, đề xuất mới về nới lỏng các hạn chế về quyền sở hữu đất đai của chính quyền Thái Lan nên được đặt lên bàn cân và xem xét một cách thật cẩn trọng.