Sai lầm khi chọn và sử dụng thớt gây hại cho sức khỏe

Bằng Lăng/TD
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thớt gỗ có độ đàn hồi cao, trọng lượng nặng, thích hợp để băm, chặt thức ăn. Tuy nhiên, chúng lại có nhược điểm là dễ thấm hút nước và các loại mùi, nhanh cong vênh, có mùn, nứt, dễ mục.

Không chọn loại gỗ tốt
 Thớt gỗ có độ đàn hồi cao, trọng lượng nặng, thích hợp để băm, chặt thức ăn. Tuy nhiên, chúng lại có nhược điểm là dễ thấm hút nước và các loại mùi, nhanh cong vênh, có mùn, nứt, dễ mục.
Do đó, khi chọn mua thớt, bạn nên chọn loại gỗ có độ đàn hồi cao và tốt, không dễ bị cong vênh hoặc mục. Không nên vì tiếc tiền mà chọn những loại gỗ rẻ, thớt có nhãn mác hoặc nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm không rõ ràng.
 
Ngoài ra, chị em cũng không chọn những chiếc thớt có bề mặt phủ lớp màu, vì đây là cách để nhà sản xuất che giấu các vết nứt hoặc thấm mốc bên dưới.
Sử dụng thớt đã có nhiều vết nứt
Nhiều người thích sử dụng thớt đã dùng lâu năm, bởi sự thuận tiện, quen tay, tuy nhiên những vết rạn nứt trên thớt chính là nơi trú ẩn lý tưởng của nhiều loại vi khuẩn. Vì vậy, thớt sử dụng khoảng 2 năm thì nên thay mới.
Cắt thịt và rau trên cùng một chiếc thớt
Bạn nên có những chiếc thớt dành riêng để thái thịt, và những chiếc dành riêng cho rau củ quả để tránh lây nhiễm chéo. Hãy xem xét một hệ thống mã hóa màu sắc, ví dụ thớt nhựa màu đỏ cho thịt sống và màu xanh lá cây cho rau. Nếu bạn thích thớt gỗ, sử dụng loại có mã màu (loại không bị trôi màu dưới nước) khác nhau cho mỗi mục đích.
Chọn thớt có sớ ngang
Thớt cắt thành từng lóng là thớt có sớ gỗ cắt ngang, khi dùng loại này để cắt thức ăn thì nước, thực phẩm sẽ dễ đi theo sớ gỗ, thẩm thấu vào bên trong thớt. Khi rửa không thể làm sạch bề mặt, vì nước thực phẩm đã thẩm thấu vào bên trong. Tiếp tục cắt thức ăn thì các mùn gỗ sẽ bong lên, trộn lẫn vào thực phẩm sạch, dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn.
Nên chọn loại xẻ dọc theo thân cây, vì nước, thực phẩm thừa sẽ ít nằm trên mặt thớt, lúc vệ sinh thớt thì nước, thực phẩm thừa sẽ trôi đi một cách dễ dàng.
Chọn thớt có màu sắc lòe loẹt
Thớt nhựa thường làm từ các hỗn hợp mà người tiêu dùng không thể kiểm soát độ an toàn, trong đó một số loại nhựa bạn không chắc có thể sử dụng trực tiếp chế biến thực phẩm không.
Các loại thớt làm từ nhựa, gỗ có màu sắc bắt mắt thường được các nhà sản xuất pha chế, sơn phết bằng chất tạo màu có thể gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Một số chất, khi tiếp xúc với thực phẩm có thể gây nên nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe mà bạn không thể lường hết. Do vậy, bà nội trợ không nên mua sản phẩm lòe loẹt, có sơn màu để đảm bảo sức khỏe cho cả nhà.
Không quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm
Nhiều gia đình thường chọn bừa loại thớt nào đấy mà không để ý đến nguồn gốc xuất xứ. Đây là một sai lầm nghiêm trọng, vì phần lớn thớt gỗ, nhựa không rõ nguồn gốc, khó đảm bảo an toàn vệ sinh.
Cũng như nhiều sản phẩm khác, ngoài chất liệu chính là gỗ, nhựa, thủy tinh... nhiều nhà sản xuất còn dùng các chất phụ gia khi sản xuất để sản phẩm chắc, cứng và bóng hơn. Những chất phụ gia này có thể thấm, bong ra trộn lẫn vào trong thức ăn mà bạn không thể kiểm soát được.
Bạn nên chọn thớt của những thương hiệu uy tín để biết xuất xứ, đảm bảo mua loại không sử dụng các chất độc hại và có thể truy nguồn gốc khi gặp phải vấn đề trong quá trình sử dụng.
Ngoài ra, tùy theo cách nấu nướng của từng gia đình, bạn nên chọn loại có độ dày mỏng khác nhau để chế biến thực phẩm. Thớt dày và rộng để chặt, băm thực phẩm, còn thớt mỏng chỉ dùng để thái rau, củ, quả.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần