Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm:

Sai phạm xây dựng kéo dài, lãnh đạo phường "đưa đẩy" trách nhiệm?

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Công trình xây dựng lấn chiếm đất công cộng, sai phạm trật tự trong nhiều năm, nhưng chính quyền địa phương không xử lý dứt điểm và đá quả bóng trách nhiệm về phía chủ đầu tư.

Kiến nghị nhiều lần nhưng không được xử lý

Báo Kinh tế & Đô thị nhận được đơn thư phản ánh của tập thể cư dân đang sinh sống tại dự án Khu biệt thự - nhà vườn Viglacera Đại Mỗ, ngõ 178 đường Đại Mỗ, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.

Phóng viên đã có mặt tại hiện trường để ghi nhận tình hình thực tế và ý kiến của các bên liên quan trong vấn đề sai phạm và thẩm quyền, trách nhiệm xử lý.

Trên diện tích đất được quy hoạch làm khu vực đỗ xe giáp với trục đường Đại Mỗ hiện nay có một căn nhà 2 tầng được xây dựng kiên cố bằng khung sắt và 4 ki ốt bán hàng xây dựng theo hình thức nhà cấp 4 lợp mái tôn.

Phần diện tích đất được quy hoạch làm khu vực đỗ xe cho cư dân có vị trí đẹp, nằm ngay mặt tiền đường Đại Mỗ đã đã xây dựng căn nhà kiên cố 2 tầng dùng để sản xuất và kinh doanh cơ khí.
Phần diện tích đất được quy hoạch làm khu vực đỗ xe cho cư dân có vị trí đẹp, nằm ngay mặt tiền đường Đại Mỗ đã đã xây dựng căn nhà kiên cố 2 tầng dùng để sản xuất và kinh doanh cơ khí.

Theo ông Ngô Anh Thục - Cụm trưởng Cụm dân cư Liên Cơ, khu biệt thự - nhà vườn tiền thân là một nhà máy cơ khí trực thuộc Tổng Công ty Viglacera, sau đó được UBND TP Hà Nội phê duyệt quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất ở, trong đó có một phần diện tích được phê duyệt làm khu vực để xe nằm ở ngay đầu ngõ 178 đường Đại Mỗ.

Sau khi được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phía chủ đầu tư đã triển khai xây dựng một số tòa nhà cao tầng để bán cho người thu nhập thấp và các căn hộ nhà ở liền kề. Từ năm 2010, các chủ sở hữu đã được phía chủ đầu tư bàn giao nhà để vào ở.

Tuy nhiên, phần diện tích đất quy hoạch để làm khu vực đậu xe và cổng ra vào khu dân cư từ nhiều năm qua đã bị chiếm dụng, dựng nhà khung sắt kiên cố phục vụ mục đích kinh doanh riêng.

Việc xây dựng trên diện tích đất công cộng của dự án như vậy rõ ràng là sai phạm về trật tự xây dựng, nhưng nhiều năm qua vẫn không được xử lý, việc kinh doanh, sản xuất các sản phẩm cơ khí ngay giữa khu dân cư ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người dân.

“Việc này không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, sức khỏe người dân mà còn ảnh hưởng đến an ninh, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, và quyền lợi của dân cư Liên Cơ. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền nhưng không được xử lý, đáng quan ngại một số đối tượng bặm trợn kéo vật liệu đến xây dựng khi bị người dân phản đối còn ngang nhiên thách thức, đe dọa. Mỗi khi có phản ánh của ngươi dân phía chính quyền xuất hiện yêu cầu dừng thi công, nhưng không tháo dỡ, sau một thời gian các đối tượng lại tiếp tục xây dựng, đến nay đã trở thành một công trình kiên cố” – ông Ngô Anh Thục cho hay.

Cần sớm vào cuộc làm rõ, xử lý

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã liên hệ qua điện thoại để đặt lịch làm việc với ông Nguyễn Viết Hùng – Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ. Vị này nhanh chóng khẳng định: “Diện tích đất này là của chủ đầu tư, nên chủ đầu tư phải có trách nhiệm”.

Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ cũng không cung cấp thêm thông tin khác về những trường hợp vi phạm nằm trên phần đất công cộng của dự án cần phải xử lý. “Việc này một số báo, đài đã làm rồi. Đồng chí muốn biết thì lên mạng mà tìm hiểu” – ông Nguyễn Viết Hùng nói.

Phần diện tích còn lại nằm ở mặt ngõ 178 đường Đại Mỗ cũng đã được xây dựng thành các ki ốt bán hàng.
Phần diện tích còn lại nằm ở mặt ngõ 178 đường Đại Mỗ cũng đã được xây dựng thành các ki ốt bán hàng.

Liên quan đến thái độ và ngôn ngữ phát ngôn thông tin với báo chí của vị Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ, luật sư Trịnh Hữu Đức – Hội luật gia Việt Nam cho rằng, thái độ như trên là không đúng với quy định tại Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính Nhà nước.

“Thái độ này cũng thể hiện sự bàng quan, thiếu trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền đối với việc xử lý vi phạm tại địa bàn quản lý” – luật sư Trịnh Hữu Đức nói.

Luật sư Trịnh Hữu Đức thông tin thêm, căn cứ theo quy định tại Nghị định 15/2021/NĐ-CP về trách nhiệm, thẩm quyền của UBND các cấp trong việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng, thì UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo phân cấp, ủy quyền của UBND cấp tỉnh, huyện.

Đồng thời phải tổ chức thực hiện việc theo dõi, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm trên địa bàn; thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

“Như vậy, phần vi phạm trên cho dù nằm trên diện tích đất quản lý của chủ đầu tư dự án, nhưng khi phát hiện vi phạm thì UBND cấp xã (phường) là cơ quan quản lý Nhà nước đủ thẩm quyền và phải có trách nhiệm xử lý. Phía đại diện chính quyền nói “sai phạm trên đất của chủ đầu tư thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm” là đang đá quả bóng trách nhiệm sang phía chủ đầu tư và làm sai chức năng, nhiệm vụ được luật pháp Nhà nước phân cấp. Bởi chủ đầu tư không có thẩm quyền để xử lý vi phạm này” – luật sư Trịnh Hữu Đức phân tích.

Để hiểu rõ hơn căn nguyên của vấn đề, phóng viên đã liên hệ làm việc với chủ đầu tư dự án. Đại diện chủ đầu tư cho biết, phía chủ đầu tư nhận trách nhiệm vì không quản lý được phần diện tích đất công cộng này để cho một số đối tượng lấn chiếm, xây dựng công trình. Nhưng do không đủ thẩm quyền xử lý nên chủ đầu tư cũng đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị chính quyền địa phương can thiệp, xử lý tháo dỡ phần vi phạm để bàn giao lại diện tích đất dùng làm khu vực để xe cho cư dân (trong quy hoạch chi tiết được phê duyệt, diện tích này không phải là bãi đỗ xe mà chỉ là khu vực để xe cho người dân).

Như vậy, mọi việc đã rất rõ ràng nhưng không hiểu vì sao phía UBND phường Đại Mỗ lại đưa đẩy trách nhiệm sang người khác, trong khi việc này là thẩm quyền trách nhiệm của chính quyền sở tại. Việc không xử lý dứt điểm vi phạm đã và đang khiến dư luận dân cư bức xúc, mặc dù tập thể cư dân đã kiến nghị liên tục suốt nhiều năm qua?

Đề nghị UBND quận Nam Từ Liêm sớm vào cuộc chỉ đạo xử lý dứt điểm sai phạm, đồng thời có hình thức xử lý kỷ luật cá nhân (nếu có hành vi sai phạm) để làm gương và sớm ổn định đời sống của người dân quanh khu vực, tránh để khiếu kiện, tranh chấp kéo dài gây mất ổn định an ninh trật tự tại địa bàn.

Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.