Sản lượng chăn nuôi không giảm, tại sao thịt lợn tăng chóng mặt? - Bài 1: Mất đối trọng trong chăn nuôi

Bài và ảnh Hương Hồi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau khi Bộ Nông nghiệp họp với các doanh nghiệp chăn nuôi và chỉ đạo giảm giá thịt lợn, phóng viên đã tìm hiểu thị trường trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, nhiều nông dân đã kêu trời vì “sản lượng không giảm, nhưng thịt lợn đang tăng giá mỗi ngày".

"Lợn hơi xuất chuồng mỗi ngày 1 giá"

Đó là chia sẻ của nhiều nông dân và đại diện cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn huyện Chương Mỹ, địa phương có số trang trại và sản lượng thịt lợn cung ứng khá lớn trên địa bàn Hà Nội.

Ông Đặng Viết Xuân, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ chia sẻ: Khoảng 3-4 tháng nay, thịt lợn trên địa bàn tăng giá mạnh. Thời điểm này đang giữ giá ở khoảng 50.000 – 53.000 đồng/kg thịt hơi. Tháng trước có thời điểm mỗi ngày thịt lợn tăng 1 giá. Nhiều nông dân nhìn thấy giá tăng mà tiếc nuối vì không có lợn bán.
 Khu vực chăn nuôi theo trang trại của xã Lam Điền được huyện Chương Mỹ quy hoạch. Hầu hết các hộ đều chăn nuôi gia công cho doanh nghiệp.
Khi được hỏi về sản lượng và số lượng con nuôi năm nay, ông Xuân cho biết: Tính đến 1/10/2018, theo điều tra của huyện tổng đàn lợn trên địa bàn đạt 165.000 con, tăng 17% so với cùng năm ngoái (cùng thời điểm này, dịp tháng 9 năm 2017 giá lợn rẻ nhất có lúc xuống đến 18.000 đồng/kg). Năm nay cao nhất có lúc lên 56.000 đồng/kg.

Xã Lam Điền là địa phương có nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi nhất trên địa bàn Chương Mỹ. Ông Đặng Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Lam Điền cho biết: Lam Điền đã quy hoạch sau dồn điền đổi thửa 294 ha vùng đất trũng canh tác thấp sang làm trang trại chăn nuôi và trang trại tổng hợp. Trong đó có 173 ha đã xây dựng trang trại chăn nuôi gà, lợn,tổng hợp. Riêng lợn có 28 trang trại với công suất chuồng nuôi 1000 con lợn/trại/lứa.

Ông Bình cho rằng, sản lượng thịt và số lượng con nuôi không thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017, thậm chí còn cao hơn. Thế nhưng, 3-4 tháng nay giá thịt lợn hơi xuất chuồng mỗi ngày tăng một giá đến chóng mặt.

Có những lái buôn khi đã mặc cả giá với chủ trang trại chăn nuôi xong, 12 giờ đêm họ đã đánh xe ô tô chờ sẵn ở cổng nhà để đến gần sáng bắt lợn luôn, tránh chủ nhà đổi ý tăng giá. Tính ra mỗi con lợn xuất chuồng hiện nay người nuôi lãi 1,5 triệu đồng/con lợn.

Anh Hà Văn Thành, thôn Lương Xá, xã Lam Điền, chia sẻ: Anh đã chăn nuôi gia công lợn cho Công ty C.P từ năm 2013 đến nay. Mỗi lứa lợn anh nuôi 950 con. Ngoài ra anh còn nuôi 40 con lợn bán ra ngoài thị trường gia trại của gia đình. Anh cho biết: Đã nhiều năm chăn nuôi nhưng chưa bao giờ thấy giá lợn lại tăng kinh khủng vậy. Mỗi ngày một giá. Người nông dân mừng vì giá tăng nhưng không có lợn để bán.

Doanh nghiệp chiếm ưu thế trong phân phối

Lý giải về giá lợn bị đẩy lên cao, ông Xuân cho hay: Hiện nay trên địa bàn huyện có 113 trang trại chăn nuôi gia công cho Công ty C.P và 1.017 gia trại của các hộ nông dân. Sau đợt giá lợn rẻ hồi năm ngoái thì các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vài con đến 20 con lợn không còn. Có thì cũng chỉ là những hộ chăn nuôi theo cách thức tự sản tự tiêu nuôi một vài con bằng thức ăn thừa sau đó chung nhau thịt ăn chứ không bán. Trước kia, nhà nào cũng có chuồng nuôi lợn, số lượng và sản lượng thịt chia cho nhiều người nên cạnh tranh với các DN chăn nuôi.
 Ngoài trang trại chăn nuôi cho Cô ty C.P anh Thành còn có trại nuôi nhỏ 40 con lợn mỗi lứa được duy trì. Sản lượng chăn nuôi ở dân cư chỉ còn chiếm 10% sản lượng trên địa bàn.
Tuy nhiên, sau khủng hoảng giá thịt lợn năm ngoái, nhiều người đã phá bỏ, hoặc chuyển chuồng trại sang nuôi con nuôi khác. Chính vì thế, với 113 trang trại chăn nuôi của C.P với công suất nuôi từ 500 – 1000 con lợn mỗi lứa đã chiếm khoảng 90% sản lượng thịt trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Số còn lại với 1.017 gia trại chăn nuôi từ 30 con trở lên đến 200 con trong dân cư chỉ chiếm khoảng 10% sản lượng. Các gia trại này cũng mới khôi phục đàn và số lượng con nuôi khôi phục cũng chưa đạt công suất cao nhất.
 Những trang trại chăn nuôi của C.P có công suất từ 500 - dưới 1000 con/trại. Sản lượng thịt cung ứng của các DN ra thị trường chiếm 90%. 
Chỉ qua 2 con số kể trên một bên DN chiếm 90% sản lượng thịt và 1 bên nông dân chỉ có 10% tại huyện Chương Mỹ cho thấy, ngành chăn nuôi đang mất đối trọng cạnh tranh trên thị trường. Điều này, khiến cho các DN chăn nuôi làm chủ thị trường, họ đẩy giá lên bao nhiêu là do họ.

Tìm hiểu của phóng viên qua các thương lái, được biết: Từ trước đến nay thịt lợn phía Nam luôn thấp giá hơn phía Bắc. Nhưng đợt này lại ngược chiều. Giá thịt lợn tại khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửa Long, TP Hồ Chí Minh vẫn đang ở mức rất cao từ 56.000 – 58.000 đồng/kg. Các thương lái cho rằng, miền Bắc còn có các hộ chăn nuôi theo gia trại, còn phía Nam hầu hết là chăn nuôi gia công cho DN theo trại lớn. Chính vì thế DN lại càng có cơ hội đẩy giá.