Săn nhum ở gành biển

Đỗ Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để săn được nhum - loài động vật xù xì, đầy gai nhọn - các thợ lặn phải lặn sâu hàng chục mét và dầm mình nhiều giờ liền trong nước biển...

Nghề “kén” người

Trời vừa sáng rõ, ông Thái Văn Cường (54 tuổi, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã ra đến Gành Yến, sẵn sàng cho một ngày lặn nhum. Cùng đi với ông Cường còn có 2 người đàn ông khác.

Ông Thái Văn Cường thường săn nhum cách khu vực bờ biển ở Gành Yến chừng 500m.
Ông Thái Văn Cường thường săn nhum cách khu vực bờ biển ở Gành Yến chừng 500m.

“Làm nhum không đi một mình được đâu. Mỗi thúng có 5, 6 người, phụ nữ thì ở trong bờ chặt nhum lấy thịt, đàn ông thì đi lặn. Sáng đi, chiều về” - ông Cường lý giải.

Nhum con thoạt nhìn khá giống trái chôm chôm, màu đen sẫm, khi trưởng thành có hình tròn, đường kính khoảng 8 - 10cm, dày 3 - 4cm, thân nhum phủ đầy gai nhọn dài 3 - 4cm, khi di chuyển có thể phóng gai. Đồ nghề để săn nhum của nhóm ông Cường khá đơn giản, gồm cây sắt dài chừng sải tay bẻ cong một đầu như lưỡi câu, vợt đựng nhum, kính lặn, bình hơi.

Nhum thường sống ở vùng biển cạn, nước trong, có nhiều rong rêu hoặc san hô hay đá ngầm. Để bắt nhum, nhóm người của ông Cường đi thúng ra gành, cách bờ chừng vài trăm mét, độ sâu chừng 15m rồi lặn xuống. Khi phát hiện thấy nhum biển thì dùng móc sắt giật khẽ, khi đó, nó sẽ dính vào và chỉ việc kéo lên, bỏ vào vợt.

Công việc lặn bắt nhum có vẻ dễ dàng hơn so với các nghề biển khác,  nhưng chỉ người trong nghề mới hiểu, để có được những giỏ nhum đầy ắp, tươi rói lại là quá trình không hề đơn giản. Cả ngày lặn biển, tối đến cơ thể đau nhức, phải gồng mình chịu đựng. Nhiều người chỉ lặn được vài ngày thì phải bỏ nghề.

Chiếc vợt dùng để đựng nhum.
Chiếc vợt dùng để đựng nhum.
 

Nhum biển có nơi còn gọi là con nhím biển hay cầu gai, tên khoa học là sea urchin, sea chestnus. Chúng sống ở vùng biển cạn, nước trong, có nhiều rong rêu hoặc san hô hay đá ngầm. Nhum là động vật thuộc loại nhuyễn thể, có họ hàng với trai, sò; sống rất nhiều ở vùng biển miền Trung.

“Lặn nhum đòi hỏi kỹ năng, sức khỏe và sự chịu đựng dẻo dai. Lặn xuống nước mấy chục mét, chịu áp suất lớn, người yếu là không chịu nổi. Đó là chưa kể, không cẩn thận sẽ bị gai nhum đâm vào, đau nhức nhiều ngày liền. Cái gai nó “độc” lắm, không rút ra được, dần dần tự tiêu đi” - ông Cường chậc lưỡi.

Để thu được khoảng 5 tạ nhum một ngày, tương đương 20 - 25kg thịt nhum, trung bình 3 anh em trên thúng ông Cường mỗi người phải lặn mất 6 tiếng. Ngâm mình lâu dưới nước, làn da người nào cũng xanh tái, nhợt nhạt.

“Mùa này trời còn đẹp, thường thì lặn 1,5 - 2 tiếng thì lên thúng nghỉ rồi lại tiếp tục, chứ tầm tháng giêng, tháng hai thì trời lạnh lắm, chỉ lặn 30 - 40 phút chứ không thể lặn lâu. Thúng có 3 người luân phiên, 2 người lặn, người kia phụ trách việc nhum đầy vợt thì đưa lên thúng” - ông Cường nói.

Mỗi ngày, thúng vào bờ 2 đợt để cho nhóm phụ nữ chặt, xử lý, lấy thịt nhum. Mỗi ký thịt nhum bán ra khoảng 200.000 - 250.000 đồng, mang lại khoản thu nhập kha khá cho các thành viên.

Tranh thủ nghỉ ngơi sau một ngày mệt nhọc, ông Nguyễn Văn Tỵ (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) - bạn cùng thúng của ông Cường - khá hài lòng vì hôm nay bắt được nhiều nhum.

“Nghề lặn nhum dù ít nguy hiểm hơn các nghề biển khác nhưng vất vả, cả ngày dầm dưới nước, ăn nghỉ đều ở trên biển. Làm giàu thì khó nhưng bù lại, nó cũng giúp tụi tui có thêm thu nhập để lo cho gia đình. Năm làm được mấy tháng thôi, vào những tháng biển động, tụi tui phải kiếm thêm nghề khác để làm, người đi làm lưới, đi đánh cá, người phụ hồ….” - ông Nguyễn Văn Tỵ cười hiền.

Lang bạt mưu sinh

Như được thiên nhiên ưu đãi, từ bao năm qua, khu vực các gành đá ven bờ biển xã Bình Hải, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), xã Phổ Châu (huyện Đức Phổ) trở thành nơi cư ngụ, sinh sôi của loài nhum. “Lộc biển” này không chỉ mang lại thu nhập cho người dân địa phương mà một số người ở vùng khác cũng tìm đến khai thác.

Các thợ săn nhum ở khu vực Ba Tân Gân.
Các thợ săn nhum ở khu vực Ba Tân Gân.

Ở Ba Làng An (xã Bình Châu), ông Võ Chí Tâm và nhóm người đến từ thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) cũng có mặt rất sớm để ra gành đá bắt nhum biển. “Đến được Ba Làng An, mọi người phải chạy xe máy liên tục hơn 3 tiếng đồng hồ” - ông Võ Chí Tâm nói.

Sau khi ăn sáng xong, mọi người lúi húi kiểm tra đồ đạc và chốt địa điểm đi săn của hôm nay sẽ là bãi đá phía Bắc của Ba Làng An. Nơi đó không xa lắm, cách chừng 1km nhưng đường đi vô cùng khó khăn vì phải men theo vách đá trơn trượt. Ngoài các dụng cụ săn nhum thường thấy, nhóm người của ông Võ Chí Tâm không dùng bình hơi mà trang bị áo phao để đảm bảo an toàn.

Phần lớn các thành viên trong nhóm đều đã trên 45 tuổi nhưng lặn rất cừ khôi, những cơn sóng lớn ập vào cũng không thể làm khó được họ. Cứ lặn xuống hơn chục giây là trong vợt lại thêm một con nhum.

Nhóm săn nhum của ông Tâm.
Nhóm săn nhum của ông Tâm.

Không riêng ở Ba Làng An, nhóm của ông Tâm đi khắp nơi để bắt nhum, cứ nơi nào có nhum là đến. Mỗi chuyến đi như vậy, họ thường ở lại từ 4 đến 5 ngày mới về.

“Nơi nào gần nhà dân thì xin vào ngủ nhờ, nơi xa nhà dân quá thì mình ở “khách sạn ngàn sao”. Ngủ ngoài trời ngắm sao cũng vui lắm, nghe sóng vỗ rì rầm, nhưng mà bị muỗi chích” - ông Võ Chí Tâm dí dỏm.

Nâng tầm đặc sản

Nhiều năm nay, cứ vào mùa nhum, người dân ở thôn Châu Me (xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ) lại rủ ra gành đá để săn tìm. Nhum sau khi bắt lên bờ sẽ được dùng dao để tách làm đôi, sau đó nạo phần ruột ra và vứt phần vỏ. Để có thịt nhum ngon, việc tách ruột nhum cũng cần phải chuyên nghiệp, vì chỉ cần sơ sẩy tí chút, thịt lẫn với ruột và gân máu thì khi chế biến sẽ rất tanh, dễ bị thâm đen, hư thối.

Theo các thợ săn nhum lành nghề, nhum có quanh năm, tuy nhiên thời gian khai thác chủ yếu từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch. Bởi lẽ vào thời gian này, nhum có nhiều thịt nhất và ngon nhất. Những tháng còn lại trời mưa, sóng to gió lớn nên rất khó để bắt nhum. Hơn nữa, nhum cũng không “mập”, ít thịt nên không được ưa chuộng nhiều như “chính vụ”.

Nhum vào độ tháng 5 - 8 âm lịch rất dày thịt và được thị trường ưa chuộng.
Nhum vào độ tháng 5 - 8 âm lịch rất dày thịt và được thị trường ưa chuộng.

Ngoài các cách chế biến thông thường là ăn sống, nướng và nấu cháo, người dân ven biển xã Phổ Châu còn chế biến thành mắm nhum - một đặc sản nức tiếng gần xa. 

Thịt nhum sau khi làm sạch được cho vào bát, cứ 1kg thịt nhum sẽ cho 100gram muối hột vào trộn đều, sau đó bỏ hỗn hợp vào chai. Sau 7 ngày có thể thưởng thức thành phẩm mắm nhum. Mắm nhum ở xã Phổ Châu có màu đỏ nhạt, đặc sệt, vị đậm đà. Bởi vậy, từ bao đời nay, mắm nhum nơi này luôn hấp dẫn thực khách tứ phương.

Mới đây, tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất cho HTX Nông nghiệp xã Phổ Châu (thị xã Đức Phổ) sử dụng tên địa danh “Sa Huỳnh” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Mắm nhum Sa Huỳnh”. Đây là tín hiệu vui, là cơ hội để thương hiệu mắm nhum ngày càng phát triển. 

Theo ông Nguyễn Hoành Sơn - Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Phổ Châu, thời gian qua, mắm nhum ở địa phương được tiêu thụ mạnh. Bình quân mỗi lít mắm nhum có giá dao động từ 350 - 400 nghìn đồng. Mắm nhum ngon, nhưng lại chưa xây dựng thương hiệu. Vì vậy, HTX Nông nghiệp xã Phổ Châu đề xuất dùng tên địa danh “Sa Huỳnh” để đăng ký tên bảo hộ nhãn hiệu tập thể ở địa phương, nhắc đến Sa Huỳnh thì người dân khắp nơi đều biết. 

“Hiện chúng tôi đang hoàn tất các thủ tục, logo, nhãn hiệu và sẽ hướng dẫn người dân các bước thực hiện dán nhãn mác để nâng tầm sản phẩm “Mắm nhum Sa Huỳnh” của địa phương, khẳng định được giá trị, chỗ đứng trên thị trường” - ông Nguyễn Hoành Sơn nói.

Theo ông Sơn, cùng với việc khai thác, cũng cần tính đến việc bảo vệ loài nhum biển, tránh bị tận diệt. "Cái khó là ngoài người dân địa phương còn có những người nơi khác đến khai thác. Sắp tới, HTX sẽ nghiên cứu, xây dựng các tổ đội khai thác, bảo quản và nuôi trồng nhum, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, nâng cao nhận thức. Có như thế mới bảo vệ và duy trì nguồn lợi này lâu dài" - ông Nguyễn Hoành Sơn bày tỏ.