Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa:
Sản phẩm, hàng hóa rủi ro cao sẽ được quản lý theo biện pháp tiền kiểm
Kinhtedothi - Đây là một trong những nội dung được đưa ra tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã quy định cụ thể nguyên tắc xác định những sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 dựa trên mức độ rủi ro của sản phẩm, hàng hóa.
Sáng 6/5, tại phiên làm việc của Kỳ họp thứ 9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Sửa đổi luật để phù hợp thực tiễn
Theo đó, Phó Thủ tướng cho biết, để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trước yêu cầu mới của thực tiễn, hội nhập quốc tế và nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên cơ sở phát huy ưu điểm và khắc phục các hạn chế của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá là rất cần thiết.

Cùng với đó, quá trình tổng kết, đánh giá sau 17 năm thực hiện cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá 2007 đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với thực tiễn và thúc đẩy sự phát triển.
Cụ thể như: hiện nay cách hiểu và việc xác định sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 (nhóm có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, sự an toàn cho người tiêu dùng, động vật, thực vật, tài sản, môi trường). Tuy nhiên, của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực còn chưa được quy định cụ thể trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá nên dẫn đến tình trạng chưa thống nhất.
Công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa được giao cho nhiều ngành, lĩnh vực quản lý, có những sản phẩm chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành, phải áp dụng nhiều biện pháp kiểm tra chuyên ngành do quy định phân công quản lý tại các luật chuyên ngành khác nhau (ví dụ: quản lý an toàn thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm, quản lý hiệu suất năng lượng theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...) dẫn đến còn có sự chồng chéo trong hoạt động kiểm tra...
Đặc biệt, cùng với quá trình mở cửa nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã tham gia, ký kết nhiều điều ước quốc tế liên quan tới hoạt động tiêu chuẩn chất lượng. Trong các Hiệp định thương mại thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP...) có một chương quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Theo đó luôn có một điều quy định về các thuật ngữ, định nghĩa về Hiệp định/thoả thuận thừa nhận lẫn nhau, hậu kiểm, kiểm tra,...; một điều quy định về đánh giá sự phù hợp, một điều quy định về giám sát trên thị trường, một điều quy định về ghi nhãn.

Tuy nhiên, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá hiện nay chỉ đưa ra các nguyên tắc chung, phù hợp với thời điểm năm 2007 khi Việt Nam mới gia nhập WTO. Vì vậy, có thể thấy quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá hiện nay chưa đáp ứng hoàn toàn với yêu cầu hội nhập quốc tế khi chúng ta đã ký kết, tham gia các FTA thế hệ mới, với các cam kết mở hơn cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài được thực hiện đánh giá sự phù hợp tại Việt Nam, các quy định về hậu kiểm, kiểm tra/giám sát thị trường, thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp. Do vậy, việc xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá là rất cần thiết.
Quy định nguyên tắc xác định sản phẩm, hàng hóa nhóm 2
Về một số nội dung cụ thể, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 điều 5 về nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo hướng quy định cụ thể nguyên tắc xác định những sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cần căn cứ trên cơ sở mức độ rủi ro của sản phẩm, hàng hóa; trong đó bao gồm tất cả các loại sản phẩm, hàng hoá như nông sản, thực phẩm, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, thiết bị....
Những sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro cao sẽ quy định biện pháp quản lý trước khi thông quan (tiền kiểm); sản phẩm, hàng hóa có mức độ rủi ro trung bình, thấp sẽ quy định biện pháp quản lý sau thông quan trước khi lưu thông trên thị trường hoặc cho phép tự công bố hợp quy (hậu kiểm).

Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Quy định này để đáp ứng yêu cầu tại Chỉ thị 38-CT/TW ngày 30/7/2024 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị.
Thẩm tra tờ trình, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội cơ bản thống nhất với quan điểm xây dựng dự thảo Luật và đề nghị tiếp tục nghiên cứu một số vấn đề để hoàn thiện dự thảo Luật như: nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa theo mức độ rủi ro; ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa; biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa phù hợp bối cảnh mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa mậu biên, kinh doanh qua thương mại điện tử.
Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng được yêu cầu và đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến. Đề nghị rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tiếp tục rà soát toàn diện các quy định, hướng dẫn, khuyến nghị trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để nội luật hóa, bảo đảm thuận lợi trong việc tổ chức thực hiện.

Quốc hội thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, tập trung phân định đơn vị hành chính
Kinhtedothi - Chiều 5/5, tai Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Nghị quyết thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Ngày 6/5 sẽ công bố lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Kinhtedothi - Chiều 5/5, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (gọi tắt là Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp) đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Đề xuất bãi bỏ 9/11 thủ tục hành chính trong lĩnh vực khoa học, công nghệ
Kinhtedothi - Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có nhiều điểm mới như: bãi bỏ 9/11 thủ tục hành chính; mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh sang khu vực ngoài công lập để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.