Với việc đáp ứng các điều kiện cơ bản thì mở cửa trường học trên diện rộng là nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
Từng bước, linh hoạt
Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, tính đến tuần đầu tháng 1/2022, cả nước có 9 tỉnh, thành dạy học trực tiếp (gồm Bắc Kạn, Cao Bằng, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Thái Bình, Hà Nam, Khánh Hòa, Bắc Giang); 35 địa phương dạy học kết hợp, còn lại dạy học trực tuyến và qua truyền hình.
Tại TP Hồ Chí Minh - một trong những địa phương là tâm dịch trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư - việc mở cửa trường học được tiến hành từng bước. Sau khi thí điểm cho học sinh xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) đi học trực tiếp vào đầu tháng 11/2021, từ ngày 13/12/2021, TP Hồ Chí Minh đã triển khai dạy học trực tiếp cho học sinh khối 9 và 12, và từ ngày 4/1/2022 đối với khối 7, 8, 10, 11.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ đến trường của học sinh đạt từ 92% đến gần 96% tuỳ từng khối. Sở GD&ĐT địa phương này đã có văn bản đề xuất tổ chức dạy trực tiếp với bậc mầm non, tiểu học và khối lớp 6 từ 7/2/2022 trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ học sinh. Các trường đại học tại TP Hồ Chí Minh cũng đã lên kế hoạch cho sinh viên quay trở lại trường học trực tiếp sau Tết Nguyên đán.
Tại Hà Nội, thực hiện nguyên tắc thích ứng linh hoạt, từng bước mở cửa trường học, từ ngày 8/11, sau khi trao đổi ý kiến và được sự thống nhất của các ngành, Sở GD&ĐT Hà Nội đã cho học sinh lớp 9 thuộc huyện Ba Vì học trực tiếp; 17 huyện, thị xã còn lại mở cửa đón học sinh lớp 9 từ ngày 22/11.
Ngày 6/12, TP đồng ý phương án cho học sinh khối 12 tại 30 quận, huyện, thị xã có dịch ở cấp độ 1, 2 đến trường học luân phiên. Và khi TP có nhiều khu vực đổi màu, tăng (giảm) cấp độ dịch, Sở GD&ĐT có văn bản đề nghị các đơn vị xem xét cho học sinh lớp 9 và lớp 12 ở những vùng dịch cấp độ 3 tạm dừng đến trường; học sinh ở vùng cam chuyển xuống vùng vàng thì được phép cho lớp 9, lớp 12 đi học trực tiếp theo kế hoạch.
“Nếu không có gì thay đổi, tình hình dịch thuyên giảm, tỷ lệ vaccine tiêm đảm bảo an toàn, Sở GD&ĐT Hà Nội dự kiến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tức khoảng 7 - 8/2 sẽ cho học sinh khối lớp 7 đến 12 đi học trực tiếp trở lại; đồng thời đưa ra các kịch bản, phương án làm sao để đảm bảo an toàn an nhất cho học sinh và giáo viên”- Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết.
Đủ điều kiện cho học sinh đến trường
Tại Hội thảo trực tuyến toàn quốc về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục do Bộ GD&ĐT chủ trì tổ chức ngày 19/1, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, tỷ lệ tiêm vaccine trên cả nước đạt rất cao; điều kiện thuốc chữa có cải thiện; điều kiện phòng chống dịch cũng như hiểu biết và thích ứng của người dân được nâng cao; các địa phương có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống, dịch.
Với sự khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, phân tích kinh nghiệm các nước thì đây chính là lúc cần điều chỉnh trong mở cửa trường học một cách an toàn, như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tại Nghị quyết 128/NQ-CP.
Trong khi đó, PGS.TS Phạm Mạnh Hà (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu một số dẫn chứng về những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 tới học sinh, sinh viên; trong đó có tính đến việc học online kéo dài bởi ngoài học tập, các em cũng cần giao tiếp, kết nối bạn bè, tham gia hoạt động vui chơi, giải trí.
Tuy nhiên, đại dịch đã làm thay đổi tất cả; tỷ lệ học sinh, sinh viên đến thăm khám và điều trị về các chứng tâm lý, tâm thần tăng vọt; nhiều em có biểu hiện thiếu tập trung, cảm thấy tự ti, mất phương hướng, không hứng thú học tập…
Trên cơ sở phân tích đánh giá của Bộ GD&ĐT cũng như các chuyên gia, cán bộ, quản lý cho thấy, việc học trực tuyến phần nào giúp đảm bảo duy trì việc học nhưng nếu kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của cả người dạy và người học. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định, đến thời điểm này, chúng ta đã có đủ những căn cứ, điều kiện để có thể quyết định mạnh mẽ hơn cho học sinh trở lại trường học và Bộ Y tế đồng lòng với Bộ GD&ĐT về việc tổ chức dạy học trực tiếp tại trường.
Trưởng đại diện chương trình giáo dục của UNICEF và các chuyên gia về nhi khoa, dịch tễ, tâm lý học cũng nhấn mạnh mở cửa trường học là cần thiết trong bối cảnh độ phủ vaccine đã rất cao, kinh nghiệm chống dịch đã được cải thiện. Tiến trình mở cửa trường học của các nước trong khu vực và thế giới thường dựa vào một số tiêu chí theo khuyến nghị của WHO, UNICEF và UNESCO, gồm: Quy định về việc tiêm vaccine và chiến lược xét nghiệm cho học sinh, các biện pháp quản lý nguy cơ khi có dịch trong trường, tăng cường nhận thức của học sinh và phụ huynh giai đoạn đầu mở cửa.
Theo các chuyên gia, để thực hiện tốt điều này, ngành giáo dục các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để xây dựng kịch bản, lộ trình chi tiết; hướng dẫn cụ thể về tổ chức các hoạt động giáo dục vừa đảm bảo nội dung chuyên môn, phòng chống dịch, xây dựng các kịch bản trong trường hợp phát hiện ổ dịch trong trường học để nhanh chóng xử lý mà không làm gián đoạn việc học; gia tăng các điều kiện về y tế, cơ sở vật chất để đảm bảo ứng phó với các tình huống phát sinh; tăng cường hoạt động truyền thông, tư vấn cho cha mẹ học sinh trong công tác phối hợp.
“Rất khẩn trương, cương quyết nhưng cần tránh sự cực đoan chần chừ, e dè thái quá, hay ngược lại - khi cho học sinh trở lại trường thì chủ quan, phó mặc và điều quan trọng nhất luôn là đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho nhà trường, giáo viên, học sinh” - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn lưu ý.
Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Điện về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Theo đó, Thường trực Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND các cấp siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác phòng, chống dịch; không lơ là, chủ quan, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, góp phần bảo đảm phục vụ Nhân dân đón Tết bình an, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm.
Đặc biệt, Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo xây dựng lộ trình việc cho học sinh trên địa bàn TP trở lại trường học bảo đảm an toàn, phù hợp, có thông báo trước về thời gian trở lại trường học trực tiếp để có sự chuẩn bị tốt nhất.
Theo số liệu thống kê cập nhật trên hệ thống đến ngày 15/1/2022, số học sinh từ 12 - 17 tuổi được tiêm vaccine mũi 1: 6.500.033/7.213.883 (đạt 90,10%); mũi 2: 5.211.874/7.213.883 (đạt 72,24%). Số cán bộ, giáo viên, nhân viên được tiêm vaccine mũi 2 là 1.225.688/1.494.618 (đạt 82%); mũi 3 là 422.519/1.494.618 (đạt 28,2%).
Tại Hà Nội, 99,6% giáo viên, nhân viên đã được tiêm vaccine mũi 1; mũi 2 đạt tỷ lệ 99,2%. Tỷ lệ tiêm vaccine cho học sinh cấp THPT là 99,6% mũi 1; mũi 2 đạt 97%. Tỷ lệ này với học sinh cấp THCS từ lớp 7 đến lớp 9 là 99,5% mũi 1 và 97,3% mũi 2. Như vậy, tỷ lệ tiêm vaccine cho cán bộ giáo viên, nhân viên, học sinh có thể nói là tạm thời yên tâm để duy trì việc học trong thời gian tới.