Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẵn sàng chào năm học mới

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày mai, (5/9), cùng 23 triệu học sinh cả nước, gần 2,3 triệu học sinh Hà Nội sẽ háo hức tham dự Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 trong không khí rộn ràng, rực rỡ cờ hoa.

Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với 2.913 trường học, gần 2,3 triệu học sinh và 130.000 giáo viên.

Thực hiện tinh thần chỉ đạo tại văn bản của Bộ GD&ĐT, UBND TP Hà Nội và Sở GD&ĐT Hà Nội, 100% trường học trên địa bàn TP đã quan tâm chu đáo và hoàn thiện công tác chuẩn bị năm học mới như: cắt tỉa cây xanh, cải tạo cảnh quan sư phạm sạch, đẹp, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh… Khắp các cổng trường, băng rôn, biểu ngữ với sắc màu tươi vui đã sẵn sàng chào đón học sinh.

Lễ khai giảng 5/9 sẽ được tổ chức trang trọng, ngắn gọn, ý nghĩa, thực sự là Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, ngày hội đối với thầy cô, học sinh, đồng thời thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của Nhân dân và toàn xã hội.

Trong năm học này, hàng nghìn học sinh Hà Nội phấn khởi hơn khi được học tại ngôi trường khang trang với diện mạo hoàn toàn mới. Bằng sự quan tâm của cả hệ thống chính trị TP và quận, huyện, có 39 ngôi trường được đầu tư xây mới và sẽ đi vào hoạt động từ năm học 2024 - 2025.

Cùng với đó là hàng trăm ngôi trường được đầu tư, nâng cấp, góp phần tích cực vào việc giảm sĩ số học sinh/lớp và từng bước giải quyết bài toán thiếu trường lớp tại Hà Nội.

Với giáo dục cả nước, trong đó có giáo dục Hà Nội, năm học 2024 - 2025 rất đặc biệt khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thực hiện với lớp 5 và lớp 12; đồng nghĩa với việc, chương trình mới được triển khai đến tất cả các cấp học.

Ngoài ưu tiên phát triển quy mô, mạng lưới trường lớp, ngành giáo dục Hà Nội cũng quan tâm đến công tác phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý bảo đảm đủ số lượng, nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Với học sinh lớp 12 - lứa học sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT 2025 theo chương trình mới, cũng là lứa học sinh đã được thực hiện khảo sát khi đang là học sinh lớp 11 sẽ tiếp tục được quan tâm bằng đa dạng hình thức để đạt kết quả tốt nhất.

Với lứa học sinh lớp 9 chuẩn bị bước vào kỳ thi lớp 10, Sở GD&ĐT đã nghiên cứu, công bố cấu trúc định dạng và đề minh họa của 7 môn học. Việc này giúp nhà trường, giáo viên có thể chủ động trong việc xây dựng kế hoạch ôn thi toàn diện, từ sớm, từ xa; cũng như mang đến sự yên tâm cho phụ huynh, học sinh.

Thực hiện chủ trương từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, ngành GD&ĐT Hà Nội đã có kế hoạch đi trước đón đầu với nhiều hoạt động tích cực. Đơn cử, trước thềm năm học mới, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức khai giảng khóa học nâng chuẩn trình độ IELTS cho 1.900 giáo viên dạy tiếng Anh trên địa bàn toàn TP với mục tiêu, từ những giáo viên tiếng Anh giỏi sẽ đào tạo lứa học sinh giỏi ngoại ngữ để trở thành những công dân toàn cầu.

“Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương” được Bộ GD&ĐT xác định là chủ đề của năm học 2024 - 2025. Riêng với giáo dục Thủ đô, năm học này còn có ý nghĩa đặc biệt khi đón chào sự kiện 70 năm thành lập ngành. Với 10 nhiệm vụ chủ yếu đã đặt ra, ngành giáo dục Hà Nội đang nỗ lực phấn đấu, tiên phong đổi mới, đạt thành tích cao để xứng đáng là đơn vị dẫn đầu giáo dục cả nước.