Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẵn sàng cho môn thi Ngoại ngữ

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi biết thông tin tuyển sinh vào lớp 10 năm 2019 có môn Ngoại ngữ, nhiều trường THCS ở Hà Nội đã lên kế hoạch dạy tăng cường tiếng Anh. Học sinh (HS) cũng đã xác định được tầm quan trọng của việc học tiếng Anh.

 Bà Nguyễn Thị Mai Hương – giáo viên dạy tiếng Anh, trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy) 
Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Mai Hương – giáo viên dạy tiếng Anh, trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy) xung quanh vấn đề này.
Bà có ý kiến gì về phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 – 2020 được Sở GD&ĐT công bố?

- Tôi nhận thấy phương án Sở GD&ĐT Hà Nội lựa chọn 4 bài thi độc lập là rất tốt. Với môn Ngoại ngữ, thi trắc nghiệm kết hợp tự luận, ngoài mục đích kiểm tra, đánh giá đây còn là hành trang giúp HS hội nhập quốc tế. Không những thế, tuyển sinh lớp 10 thi môn Ngoại ngữ sẽ giúp HS có thái độ học tập tích cực, không còn coi nhẹ những môn trước đây không thi. Tuy nhiên, phương án này cũng đặt ra thách thức đối với HS, bởi từ trước tới nay chỉ có tư tưởng học Văn, Toán. Còn với môn tiếng Anh, các em học không quá tập trung.
Trước những thách thức đó, trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đã lên kế hoạch ôn luyện cho HS như thế nào?

- Từ đầu năm học 2018 - 2019, nhà trường đã xác định cách học tiếng Anh đối với HS lớp 6. Đối với HS lớp 9, trường đưa ra những giải pháp cụ thể như xây dựng hệ thống ôn tập. Hiện nay, Sở GD&ĐT Hà Nội chưa công bố đề thi mẫu môn tiếng Anh nhưng trường căn cứ vào đề thi đã được các tỉnh triển khai. Các giáo viên đang tập hợp ngữ pháp tiếng Anh quan trọng, đặc biệt là lớp 9 để ôn tập cho HS.

Tiếp đó, giáo viên ra đề kiểm tra 1 tiết và hướng dẫn cho HS làm bài thi tiếng Anh theo hướng đề có 50 câu (40 câu trắc nghiệm, 10 câu tự luận) và hỗ trợ các em những kỹ năng như tô tròn đáp án đúng, tô đủ, tô đậm. Một biện pháp nữa là, giáo viên hướng dẫn HS phương pháp tự học ở nhà, phân chia thời gian hợp lý, cũng như chỉ cho các em cách học đến đâu ghi nhớ chắc đến đó. Cuối mỗi bài học, giáo viên lại kiểm tra 5 – 10 phút để HS tóm lược được kiến thức cơ bản. 
Giờ học tiếng Anh học sinh trường THCS Chu Văn An, huyện Thanh Trì. Ảnh: Công Hùng

Là giáo viên dạy tiếng Anh ở Trung tâm HOCMAI, bà nhận thấy HS tiếp nhận môn thi Ngoại ngữ thế nào và có điều gì lo lắng?

- Ở Trung tâm HOCMAI, trực tiếp dạy HS lớp 9 và 10, tôi nhận thấy các em có nhiều lo lắng và băn khoăn, trăn trở khi tuyển sinh vào lớp 10 năm học tới có môn tiếng Anh thi trắc nghiệm kết hợp tự luận, đây là điều rất mới. Cho dù trên lớp, HS cũng được kiểm tra, thi theo hình thức đó nhưng cách thiết kế mẫu đề tương đối khác. Vì thế, kể từ lúc biết thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, HS đã để ý hơn đến học tập, dành nhiều thời gian hơn cho môn học này. Có vấn đề gì còn thắc mắc, HS cũng muốn được thầy cô giải đáp ngay.

Với kinh nghiệm dạy tiếng Anh của mình, tôi nhận thấy trong nhà trường đang đi đúng hướng. Nếu trường nào triển khai chương trình tiếng Anh 10 năm (học tiếng Anh từ lớp 3), HS được phân chia rất rõ các kỹ năng. Các bạn học chương trình tiếng Anh 7 năm (học tiếng Anh từ lớp 6) có hạn chế không được chia các kỹ năng cụ thể. Tuy nhiên, so sánh hai chương trình 7 năm và 10 năm, ở cấp THCS đều có 4 cụm chủ đề lớn giống nhau. Do đó, thay vì lo lắng, HS cần học thật chắc các kiến thức trong sách giáo khoa của cả 2 bộ giáo trình 7 năm và 10 năm là tốt nhất. Tuy nhiên, các em phải chuẩn bị tâm thế, tinh thần, học với thái độ nghiêm túc và động thái cụ thể.

Xin trân trọng cảm ơn bà!